'Lá bài' quan trọng của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

Căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao làm dấy lên lo ngại giới chức Bắc Kinh sử dụng vị thế nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu như là biện pháp trả đũa trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

Một số nguyên tố đất hiếm - Ảnh: Reuters

Một số nguyên tố đất hiếm - Ảnh: Reuters

Đất hiếm là tập hợp 17 nguyên tố ít khi phân bố tập trung dưới lòng đất, bao gồm lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium, lutetium, scandium, yttrium.

Rất khó để khai thác và xử lý chúng một cách sạch sẽ. Trung Quốc là nước sản xuất lẫn xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, 81% sản lượng đất hiếm thế giới năm 2017 thuộc về Trung Quốc. Quốc gia châu Á cung cấp 80% lượng đất hiếm nhập vào Mỹ trong giai đoạn 2014 - 2017.

Đất hiếm cũng được khai thác tại Ấn Độ, Nam Phi, Canada, Úc, Estonia, Brazil, Malaysia. Tuy nhiên, rất ít nhà cung cấp thay thế có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nơi nắm giữ 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.

Ứng dụng

Pin cho ô tô điện hoặc chạy cả điện lẫn xăng, chất liệu gốm sứ tiên tiến, máy vi tính, đầu DVD, tua bin gió, bộ xúc tác trong ô tô và máy lọc dầu, màn hình các loại, TV, cáp quang, vật liệu siêu dẫn,… đều dùng đến đất hiếm.

Vài nguyên tố như neodymium cùng dysprosium rất quan trọng đối với động cơ ô tô điện.

Apple sử dụng đất hiếm sản xuất loa, máy ảnh, bộ phận tạo rung điện thoại. Công ty cho biết đây đều là chất liệu mà đơn vị tái chế truyền thống chẳng thể nào cung cấp.

Không ít nguyên tố đất hiếm rất cần thiết cho thiết bị quân sự như động cơ phản lực, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa, vệ tinh, vũ khí lasers. Chẳng hạn như chế tạo thiết bị nhìn ban đêm không thể thiếu lanthanum.

Văn phòng Giải trình trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) cho biết nước này chiếm khoảng 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu, và Lầu Năm Góc chiếm 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ.

Các hãng vũ khí Raytheon, Lockheed Martin, BAE chế tạo hệ thống dẫn đường lẫn cảm biến cho nhiều loại tên lửa tinh vi từ kim loại có thành phần đất hiếm.

Hệ thống dẫn đường lẫn cảm biến cho nhiều loại tên lửa tinh vi được chế tạo từ kim loại có thành phần đất hiếm - Ảnh: Twitter

Nguy cơ Trung Quốc ngưng xuất khẩu

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đánh thuế đất hiếm cho thấy tầm quan trọng của mặt hàng này.

Năm 2010 chứng kiến quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và láng giềng Nhật Bản cực kỳ căng thẳng. Giới chức Tokyo cáo buộc Bắc Kinh đình chỉ hoạt động cung cấp đất hiếm (cắt giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu) vì lý do chính trị.

Khiếu nại của Nhật, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đem lại một phán quyết chống lại Trung Quốc, nhưng phải đến năm 2015 họ mới dỡ bỏ hạn ngạch.

Giáo sư quan hệ quốc tế Kim Sán Vinh tại đại học Nhân dân vào tuần trước đề xuất cấm xuất khẩu đất hiếm như biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ, bên cạnh đáp trả bằng thuế.

Mỹ phải giảm phụ thuộc

Cựu nhân viên Lầu Năm Góc Eugene Gholz cho biết kể từ năm 2010, chính phủ Mỹ cũng như vài đơn vị kinh tế tư nhân đã bắt đầu tích trữ đất hiếm lẫn linh kiện phải dùng đến chúng. Một số khác tìm cách giảm bớt việc sử dụng đất hiếm trong sản phẩm.

Các Thượng nghị sĩ Mỹ vào tháng 5 vừa đệ trình dự luật khuyến khích phát triển nguồn cung đất hiếm nội địa.

Phương án khả thi khác là tái chế. Công ty công nghệ Rare Earth Salts đang thu đèn huỳnh quang cũ để lấy 20% nguyên tố đất hiếm bên trong.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/la-bai-quan-trong-cua-trung-quoc-trong-chien-tranh-thuong-mai-113781.html