Lá bàng khô được rao bán rầm rộ có gì mà đắt đến vậy?

Tưởng rằng là thứ đem đốt, vứt đi nhưng dạo gần đây lá bàng khô lại được lùng sục tìm mua với mức giá không ngờ tới bởi tác dụng được đồn là ''thần dược'' cho cá cảnh.

Những tưởng lá bàng khô là một thứ không có giá trị, chỉ đem vứt đi nhưng thời gian gần đây, sản phẩm này lại đang được rao bán rầm rộ trên trang thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều bất ngờ hơn cả là lá bàng khô lại có giá đắt đỏ khi được đồn là ''thần dược'' cho cá cảnh.

Những tưởng lá bàng khô là một thứ không có giá trị, chỉ đem vứt đi nhưng thời gian gần đây, sản phẩm này lại đang được rao bán rầm rộ trên trang thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều bất ngờ hơn cả là lá bàng khô lại có giá đắt đỏ khi được đồn là ''thần dược'' cho cá cảnh.

Cụ thể lá bàng khô được rao bán phổ biến với giá 1.000 đồng/lá, nếu mua nhiều, khách hàng có thể mua theo kg với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Ngoài sản phẩm lá còn có cả nước ép thay nước cốt từ lá bàng.

Theo chia sẻ từ những người chuyên bán lá bàng khô, những năm gần đây nhiều người nuôi cá cảnh bắt đầu tìm tới sản phẩm này để giúp diệt ký sinh trùng và một số loại vi khuẩn gây bệnh cho động vật thủy sản. Đặc biệt để nuôi được cá rồng đẻ, việc áp dụng lá bàng thích hợp sẽ kích thích cá sinh sản khi đủ tuổi trưởng thành.

Vậy thực tế loại lá bàng khô này có tác dụng ''thần thánh'' như lời đồn không? Theo thông tin từ trang Thủy sản Việt Nam, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã thử nghiệm và sử dụng thành công lá bàng khô trong điều trị bệnh về nấm, kí sinh trùng (Trichodina sp.,…) và kháng khuẩn (Aeromonas sp.,...).

Trong lá bàng chứa nhiều chất như Flavonoid, bao gồm isovitexin, vitexin, isoorientin, rutin và triterpenoiods, được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh hay kháng viêm, ức chế enzyme. Ngoài ra còn có axit humic được xem như là một loại kháng sinh cho cá và là thuốc diệt nấm.

Đối với những người nuôi cá cảnh, đặc biệt là loài cá rồng, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn và các loại nấm. Chiết xuất từ lá bàng sẽ tái lập một môi trường gần tự nhiên hơn cho loài cá sinh trưởng, giúp bộ vây cá đều to, dầy và sáng bóng, đồng thời khi va chạm mạnh cá ít có khả năng rụng vây.

Làm sạch lá bàng khô trước khi dùng và nên sử dụng lá bàng với nước mới, mỗi lá bàng 10 cm sử dụng với 4 - 8 lít nước đối với cá rồng. Khi thay nước cho cá lưu ý nên giữ lại một ít nước cũ, đồng thời cho thêm muối, có thể cắt nhỏ vụn lá bàng, cho vào bịch vải ngâm trong bộ lọc.

Ngoài ra, sử dụng nước cốt lá bàng đổ trực tiếp vào bể cá sẽ nhanh chóng và tiện lợi hơn, sau 1-2 ngày sẽ thấy nước biến đổi thành màu nâu và phát huy tác dụng. Theo kinh nghiệm của người chơi cá cảnh, chỉ chọn lá bàng khô, đã úa vàng hoặc rớt rụng có màu nâu đỏ.

Được rao bán và sử dụng phổ biến là vậy, tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về hiệu quả của lá bàng khô trong việc phòng và điều trị bệnh cho động vật thủy sản.

Những Sai Lầm Khi Sử Dụng Lá Bàng Cho Hồ Cá Cảnh | Ryan Nguyen_The Fish Lover. Nguồn: Youtube.

Mộc Nhiên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/la-bang-kho-duoc-rao-ban-ram-ro-co-gi-ma-dat-den-vay-1386793.html