Là bố, sao nỡ trút đòn lên con

Hình ảnh bé gái 8 tuổi ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, bị bố đánh bầm dập khắp cơ thể khiến nhiều người bất bình. Ngay trong ngày 21-2, mẹ của bé đã dẫn con đến UBND xã Nông Trường để khai báo về việc bị Lê Đình Hải, SN 1984, bạo hành.

Ông Lương Đình Phượng, Trưởng CA xã Nông Trường, cho hay, khoảng 14g ngày 20-2, Lê Đình Hải đã dùng dây thừng trói cháu Nh vào cột nhà rồi dùng roi tre đánh đập để lại nhiều vết thương trên cơ thể cháu. Sự việc sau đó được người dân trình báo với chính quyền địa phương. CA xã Nông Trường đã có mặt để làm việc và báo cáo sự việc lên CA huyện Triệu Sơn. CA triệu tập Hải lấy lời khai phục vụ công tác điều tra. Cháu bé cũng được đưa đến BV để thăm khám. Tại đây, cháu Nh cho biết, nhiều lần bị bố trói vào cột nhà, đánh đập dã man. Theo bác sĩ điều trị cho Nh, cháu có nhiều vết thương bầm tím ở mông, tay, vết xước ở mặt.

Được biết, Hải từng kết hôn và 2 vợ chồng có với nhau 2 người con. Tuy nhiên, do cuộc sống không hạnh phúc, Hải nghiện ngập nên gia đình tan vỡ. Năm 2017, họ ly hôn, Hải nuôi 2 con và ở cùng với bố mẹ đẻ. Chị H, mẹ cháu Nh, sau khi nhận được thông tin đã sang đón con về nhà ngoại để chăm sóc và dẫn con đi khai báo.

Trước đó, Trần Hoài Nam, SN 1983, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng bị xét xử về tội “Hành hạ con”, “Cố ý gây thương tích”. Nam đã hành hạ con trai như thời trung cổ khiến bé K, 10 tuổi, hoảng loạn. Nam đã phải nhận 6 năm 6 tháng tù cho hai tội.

Luận ra: việc bạo hành con gây thương tích, bậc cha mẹ phải trả bằng những bản án tù. Đó có thể là tội “Cố ý gây thương tích”, “Hành hạ con” hoặc “Giết người”. Nhưng có lẽ, sự lên án của xã hội và bản án lương tâm mới là bản án nặng nề nhất, đeo đẳng các ông bố này đến suốt đời.

Luật Trẻ em có tới 25 Điều quy định về quyền trẻ em và việc Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp). Cũng tại Điều 96 Luật này nêu rõ: “Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống với cha, mẹ. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình phải chấp hành quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về việc hạn chế quyền của cha, mẹ; tách trẻ em khỏi cha, mẹ để bảo đảm an toàn và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Có nhiều quy định của pháp luật dẫn chiếu nhưng sao thực tế vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên. Đáng nói, người bạo hành trẻ lại chính là bố đẻ thì càng không thể chấp nhận, tha thứ được.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/la-bo-sao-no-trut-don-len-con-137542.html