'Lá chắn tên lửa' của Mỹ ở châu Âu có thể biến thành vũ khí tấn công nhằm vào Nga

Ngày 3-11, trong buổi trao đổi với Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ, chuyên gia Abraham Denmark, cựu nhân viên cấp cao từng làm việc cho Lầu Năm góc, đánh giá, các tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore Mỹ đang triển khai tại châu Âu có thể dễ dàng chuyển đổi thành vũ khí tấn công với đạn tên lửa thích hợp.

Theo lời chuyên gia Abraham Denmark, dù được triển khai với lý do phòng ngừa khả năng tấn công bằng tên lửa của Iran, nhưng các tổ hợp Aegis Ashore tại Rumania và Ba Lan hoàn toàn có thể nhằm vào Nga khi cần thiết. Các tổ hợp vũ khí mang danh phòng thủ tên lửa này sẽ buộc Nga phải có thêm chiến lược đề phòng các đợt tấn công bất ngờ bằng tên lửa của NATO từ châu Âu.

Chuyên gia Abraham Denmark nhận xét, nếu hành động chuyển đổi nói trên diễn ra, thì đã vi phạm quy định của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ vốn đang có nguy cơ đổ vỡ.

Một tổ hợp Aegis Ashore Mỹ đang triển khai tại châu Âu.

Bệ phóng Mk 41 của Aegis Ashore tương tự như trên chiến hạm Mỹ, hoàn toàn có thể trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.

Trong tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện vào những chứng cớ cáo buộc Nga và Trung Quốc vi phạm INF và tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước này. Tiếp đó, cố vấn về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, John Bolton, trong chuyến thăm Moscow, đã lên tiếng xác nhận thông tin trên.

Về phần mình, Moscow lên tiếng phản đối tuyên bố rút khỏi INF của Washington và cảnh báo động thái trên sẽ khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Cùng với đó, Nga sẽ có các biện pháp quân sự đáp trả thích ứng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, Nga sẽ không giống như Liên Xô bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang hao tiền, tốn của với Mỹ.

Mỹ và Liên Xô ký INF vào năm 1987. Hiệp ước này quy định các bên phải loại biên các dòng tên lửa đạn đạo tầm bắn 500-5.500km và bệ phóng tương ứng. INF có hiệu lực với các quốc gia SNG như Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Nga sau khi Liên Xô tan vỡ. Trung Quốc không bị ràng buộc bởi INF.

Trong quá khứ, Nga đã nhiều lần cáo buộc Mỹ vi phạm INF với việc triển khai các thành phần phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Cụ thể, các giếng phóng Mk 41 của tổ hợp Aegis Ashore ngoài việc lắp đặt được tên lửa đánh chặn RIM-161 Standard Missile 3, thì còn có thể triển khai cả tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn tới 2.500km. Vũ khí này có thể đe dọa các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ phần châu Âu của Nga.

Trong khi đó, Mỹ cáo buộc việc phát triển tên lửa hành trình 9М729 thuộc tổ hợp Iskander-M của Nga là vi phạm INF. Tên lửa 9М729 hay R-500 là một biến thể của tên lửa Kaliber-NK với tầm bắn tới 1.400km. Lầu Năm góc cho rằng, 9М729 có tầm bắn tới 5.500km thay vì 500km như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.

TUẤN SƠN (theo Lenta)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/la-chan-ten-lua-cua-my-o-chau-au-co-the-bien-thanh-vu-khi-tan-cong-nham-vao-nga-553520