Lá cờ đầu Phương Nam

Xuất phát điểm thấp hơn các phường trung tâm, song với cách làm phù hợp, những năm gần đây, phường Phương Nam có những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện. Năm 2019, Phương Nam là đơn vị được tặng cờ dẫn đầu khối xã, phường của TP Uông Bí.

Tuyến đường bê tông khu Đá Bạc được người dân duy tu, vệ sinh môi trường thường xuyên.

Tuyến đường bê tông khu Đá Bạc được người dân duy tu, vệ sinh môi trường thường xuyên.

Vốn là vùng đất khai hoang để sản xuất nông nghiệp, công dân của Phương Nam thời điểm mới lên phường, năm 2011 có đến 80% là nông dân, ngư dân. Ai đã từng đến Phương Nam khi đó hẳn sẽ không quên những người dân thân thiện song đời sống chưa khá giả; trung tâm trao đổi hàng hóa của Phương Nam vẫn là chợ cóc, chợ tạm; các vườn vải cằn cỗi; nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang do nhiễm mặn từ các bãi bồi, cửa sông...

Quyết tâm làm giàu từ chính những gì mình có, Phương Nam chọn nông nghiệp để đầu tư trọng điểm, trong đó cây, con hạt nhân là vải chín sớm và thủy sản nuôi.

Có lẽ 300ha vải chín sớm là tài sản quý giá mà những cư dân sớm của Phương Nam để lại cho ngày nay. Thời gian chín của quả vải này sớm hơn các vườn vải ở địa phương khác đến cả tháng, đây chính là lợi thế, là tiền của người dân. Xác định rõ điều này, chính quyền và người dân Phương Nam cùng vào cuộc cải tạo các vườn vải. Từ chỗ phó mặc cho tự nhiên, các vườn vải được cắt tỉa để đảm bảo mật độ, được trồng mới để thay thế cây già cỗi, được tưới nước, bón phân, đánh thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu hại; được áp dụng quy trình chăm sóc, thu hoạch tiên tiến và hình thành các vùng vải VietGAP; được xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; được xúc tiến thương mại…

Trước vụ thu hoạch vải 2019, thương lái xuống vườn đặt mua sản phẩm vải sớm.

Nhờ đó quả vải chín sớm Phương Nam tăng dần năng suất, chất lượng, giá trị. Từ năm 2017 đến nay, Phương Nam tăng trên 50ha vải, đạt tổng diện tích vải toàn vùng 375ha, trong đó có gần 100ha áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; sản lượng vải tăng hơn 1.000 tấn, nâng tổng sản lượng toàn vùng lên trên 2.000 tấn/năm; giá trị quả vải tăng gấp 3 lần, đạt 50-60 tỷ đồng/năm. Việc tiêu thụ quả vải cũng trở nên dễ dàng, thương lái đến tận vườn mua cất để xuất vào miền Nam và xuất sang Trung Quốc, nhiều vụ vải không có sản phẩm bán lẻ tại chợ, đến người dân Uông Bí cũng ít khi được ăn vải chín sớm Phương Nam...

Để nâng cao hơn nữa giá trị nông nghiệp, đặc biệt là giá trị cây vải, người dân Phương Nam đồng lòng ủng hộ hiến đất, góp tiền, góp công làm đường giao thông nội đồng, làm công trình thủy lợi. Liên tiếp các tuyến đường đôi nối đường HCR, đường liên huyện Uông Bí - Đông Triều, đường chùa Hang Son, đường Phương Nam C, cầu Cẩm Hồng, cống Ba Càng, cống Vành Kiệu, mương Hiệp Thái, mương Phong Thái… được hình thành nhờ nguồn lực xã hội hóa, khiến cho vùng nông nghiệp Phương Nam kết nối giao thông, thuận lợi tiêu thụ sản phẩm.

Cầu Cẩm Hồng có giá trị 4,5 tỷ đồng, trong đó 80% là nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Hồng Hoàn (Trung tâm TT-VH Uông Bí)

Đời sống người dân ổn định, trình độ dân trí tăng lên, phường Phương Nam có điều kiện chăm lo cho các hộ chính sách, hỗ trợ xóa, giảm các hộ nghèo, cận nghèo; xây dựng chợ trung tâm phường to đẹp với hơn 300 hộ kinh doanh để xóa chợ cóc, chợ tạm; đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp thâm canh, giá trị cao, đặc biệt là NTTS; tạo việc làm mới cho người lao động; trả nợ đọng xây dựng cơ bản; phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, bảo vệ môi trường... Tính trong 5 năm qua, Phương Nam huy động nguồn lực hỗ trợ xây, sửa gần 100 ngôi nhà, giảm trên 30 hộ nghèo, thu ngân sách gần 80 tỷ đồng. Hiện phường không còn nợ xây dựng cơ bản.

Riêng năm 2019, Phương Nam hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu. Tiêu biểu như thu ngân sách đạt gần 30 tỷ đồng, đạt 365% so với kế hoạch thành phố giao, 336% so với kế hoạch phường; tốc độ phát triển kinh tế đạt gần 15%, tăng gần 60% so với kế hoạch phường. Đặc biệt Phương Nam đã giải quyết dứt điểm vụ việc khiến kiện đông người về chính sách đền bù của Nhà máy nâng hạ Quang Trung, đồng thời hoàn thành việc xóa 101 lò vôi thủ công trên địa bàn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bôn, khu Cẩm Hồng tự tháo dỡ công trình lò vôi thủ công của mình vào tháng 4/2019. Ảnh: Mai Hương (Trung tâm TT-VH Uông Bí)

Thanh Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/la-co-dau-phuong-nam-2473420/