'Lá phổi xanh' rừng Hoành Bồ

Với rừng và đất lâm nghiệp chiếm đến 80,6% diện tích đất tự nhiên, tài nguyên rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với huyện Hoành Bồ trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Nằm liền kề với TP Hạ Long, rừng Hoành Bồ còn như 'lá phổi xanh' cho thành phố thủ phủ của tỉnh.

Lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng lên phương án khoanh vùng các khu vực, thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Hà

Lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng lên phương án khoanh vùng các khu vực, thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Hà

Thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, nhiệm vụ trồng, bảo vệ rừng càng được huyện Hoành Bồ chú trọng. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, đến năm 2018 tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 72,4%, cao hơn so với trung bình chung của tỉnh là 17,97%.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 3 cơ quan làm nhiệm vụ quản lý rừng là: Hạt Kiểm lâm, BQL lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Các cơ quan này đã và đang phối hợp tốt với các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống, chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên. Điển hình như: Chương trình phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với Phòng NN&PTNT và Hội Cựu chiến binh huyện; giữa Hạt Kiểm lâm với Công an, Ban CHQS huyện; phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết và báo tin, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vi phạm liên quan đến bảo vệ rừng...

Hoành Bồ hiện là địa phương duy nhất trong tỉnh đến nay còn gìn giữ được rừng tự nhiên lâu năm, có hệ thống động và thực vật phong phú tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Với diện tích tự nhiên 15.593,8ha, nằm trên địa phận 5 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình, Khu bảo tồn được đánh giá là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trong tỉnh hiện nay; mang lại lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực, mà còn có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... Vì giá trị to lớn đó, Khu Bảo tồn luôn được đặt trong tình trạng “nhạy cảm”, cần được bảo vệ chặt chẽ trước tình trạng xâm hại.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng Vũ Văn Mỳ, cho biết: Khu Bảo tồn nằm ở địa bàn vùng cao, trải rộng, phức tạp, khó khăn trong đi lại. Dân cư của các xã trong vùng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất. Vì thế, Khu Bảo tồn luôn đối mặt với nguy cơ khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng đặc dụng để sản xuất. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã nỗ lực: Tuần tra, kiểm soát địa bàn; tuyên truyền cho các hộ dân sống trong rừng và ven rừng thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, không xâm lấn, khai thác, tàng trữ, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; thuê khoán người dân trồng, làm hàng rào bảo vệ rừng; vận động nhân dân tích cực tố giác, ngăn ngừa các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...

Rừng lim của ông Triệu Tài Cao (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân) với nhiều loài cây quý. Ảnh: Tạ Quân

Một trong những biện pháp tốt để bảo vệ, phát triển rừng được Hoành Bồ thực hiện mạnh mẽ là việc giao đất, giao rừng cho người dân trồng rừng, tránh tình trạng khai thác rừng bừa bãi. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho 1.787 hộ gia đình, cá nhân trên tổng diện tích 2.221,8ha. Nhờ đó, diện tích và sản lượng rừng trồng ngày càng tăng với hai loại cây keo và quế - loài cây giúp thoát nghèo đối với đồng bào vùng cao, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tổng diện tích trồng rừng toàn huyện hiện là 1.877ha; trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 77ha, rừng sản xuất là 1.800ha.

Tiêu biểu nhất trong việc phát huy tiềm năng, khai thác hiệu quả và bền vững giá trị đất rừng được giao phải kể đến rừng lim của già làng Triệu Tài Cao (thôn Bằng Anh, xã Tân Dân), có diện tích trên 30ha, với khoảng 3.000 cây dó bầu, hơn 200 cây lim, cùng nhiều cây gỗ quý, như giổi, trám, sến, táu, dẻ… Bên cạnh giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng những cây gỗ lớn quý giá từ những năm 1970, kể từ khi được Nhà nước giao đất, giao rừng (năm 1992) đến nay, già làng Triệu Tài Cao đã phát huy giá trị thảm thực vật dưới tán rừng, cải tạo và trồng thêm những cây dược liệu phong phú, đa dạng, gồm: Trà hoa vàng, ba kích, khôi tía, các loại cây lá tắm người Dao... để phát triển kinh tế gia đình. Rừng lim này còn là một địa điểm du lịch đặc biệt, thu hút khá đông du khách đến tham quan, hòa mình và cảm nhận thiên nhiên.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoành Bồ, cho biết: Để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, thời gian tới huyện tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất vùng khó khăn thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 và Đề án 196 để phát triển kinh tế vùng đệm rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Huyện tăng cường tuyên truyền pháp luật, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn; tiếp tục rà soát, triển khai tốt việc giao đất, giao rừng để người dân chủ động phát triển kinh tế, gắn trách nhiệm bảo vệ rừng.

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/la-phoi-xanh-rung-hoanh-bo-2434542/