Lá rơi ở vườn Cơ Hạ

Hai chục năm trước, hồi mới từ vũng trâu 'rũ bùn đứng dậy' lên thành phố học đại học, tôi cũng đua đòi làm tinh hoa, mua hẳn một đống sách về ngày đêm nghiên cứu làm sao để có thể nghe được nhạc giao hưởng.

Lý thuyết cũng nhiêu khê lắm. Đại để chuyện của nhạc cổ điển là chuyện xoay quanh cuộc sống và tâm tư của giới thượng lưu. Và nếu không được nhúng mình trong đó thì dễ thành “đàn gãi tai trâu, cô hầu ngơ ngác”.

Nhưng đó mới là chuyện nghe. Chuyện soạn còn gian khó bội phần với nhiều chuẩn, trong đó có chuẩn tinh khiết của những không gian quyền quý, không có mùi thị dân thứ cấp dù chỉ một nốt trầm.

Ví như âm thanh của một tiếng lá rơi thì phải là lá rơi trong vườn thượng uyển của vua chúa chứ không phải trên mặt đường nham nhở ổ gà và gió khí tạp nhiễm.

Tiếng chim hót, thì nhất định phải thánh thót đúng chuẩn vàng anh, hoặc tệ lắm cũng là họa mi chứ không bao giờ là ri sừng, chiền chiện nhếch nhác.

Có lần tôi còn thực hành bằng cách vào vườn thượng uyển Cơ Hạ trong Đại nội Huế - nơi các vua Nguyễn tản bộ - tìm sự thanh nhàn trong tiếng lá rơi giữa muôn vàn cơ sự của ngày thường.

Nhưng tôi nghe đi nghe lại, hết nằm lại ngồi, hết ngồi lại ngủ vẫn chẳng hứng nổi lấy nửa gam thanh nhàn để vỗ về cả cái dạ dày học trò quanh năm dăn deo vì đói khát... Và rồi, tôi nhận ra tiếng lá rơi trong vườn Cơ Hạ cũng chả khác gì tiếng rột rẹt của những tàu cau khô và đám lá phượng già của con đường bên kia bờ thành.

Chợt nhớ dạo ở đầm lầy - di tích đền thờ Artemis, một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại thuộc phế thành Ephesus - Thổ Nhĩ Kỳ. Khu đền gắn liền với cái tên Herostratus - kẻ đốt đền trở thành biểu tượng của dục vọng tàn ác đời đời nguyền rủa...

Một trong những lý do thôi thúc tôi đến đây là sự ám ảnh bởi những âm thanh - tiếng chim phát ra từ đầm lầy vào cuối buổi chiều mà nhà văn Hồ Anh Thái đã “nghe như tiếng trẻ con khóc” trong một bài viết của mình.

Nhưng tôi chẳng nghe được tiếng khóc nào ngoài những âm thanh khàn đục, ngắc ngứ không rõ của loài gì. Còn người dẫn đường, một “nhà sử học” bản địa thì bảo đó là tiếng ai oán của nữ thần Artemis khi bị Herostratus thiêu rụi ngôi đền của mình từ mấy ngàn năm trước.

Thấy tôi thất vọng, ông ta động viên, bảo, thật ra thì âm thanh nào, con đường nào cũng có vẻ đẹp và linh hồn riêng của nó.

HOÀNG VĂN MINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/la-roi-o-vuon-co-ha-637496.ldo