La Tài Quan - Phó thôn người Dao tiên phong ở Thác Tiên

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Thôn Thác Tiên có trên 225 hộ dân, 90% là đồng bào dân tộc Dao. Dù không phải là thôn khó khăn, song những năm trước đây, Thác Tiên vẫn là thôn nghèo của xã. Những hủ tục trong đời sống, nếp nghĩ khiến cuộc sống của người dân cứ luẩn quẩn trong nghèo nàn, lạc hậu. Tục lệ thách cưới, vấn nạn tảo hôn, sinh đẻ không kế hoạch, việc hiếu, hỉ tổ chức linh đình, tốn kém; tục thách cưới, lễ cấp sắc đã trở thành vấn nạn lớn nhất của thôn.

Với trách nhiệm của mình, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, ông La Tài Quan đã cùng với Ban Chi ủy bàn các giải pháp vận động, tuyên truyền; đồng thời, ký cam kết đến từng hộ gia đình để thực hiện như: không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, người già, trẻ nhỏ có bệnh phải đưa đến trạm y tế xã không được tổ chức cúng bái; các gia đình có con gái đến tuổi gả chồng không được thách cưới, không tổ chức hiếu, hỉ linh đình tốn kém, thanh niên đến tuổi trưởng thành có thể tổ chức lễ cấp sắc tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình… và ai vi phạm quy định sẽ tùy thuộc vào mức độ mà có chế tài xử phạt hợp lý.

Bước chân của ông Quan đã không quản ngại đến từng nhà trong thôn để tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào hiểu điều hay lẽ thiệt. Bản thân ông đã tự nguyện giúp nhiều gia đình thực hiện nghi lễ cấp sắc, nghi thức hiếu, hi theo hướng tiết kiệm nên đồng bào đã đồng lòng làm theo. Nếu như trước đây, hàng năm thôn có tới cả chục cặp tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch thì giờ đây tình trạng này đã được giải quyết triệt để; lễ cấp sắc không còn tổ chức rườm rà, tốn kém, mà tất cả các gia đình đều có thể làm được. Các hủ tục trong đời sống đã được giải quyết triệt để và đồng bào đã cùng nhau cam kết thực hiện tốt hương ước, quy ước thôn để xây dựng đời sống văn hóa.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Nho Hín - người vừa làm lễ cấp sắc cuối năm 2023. Anh Hín cho biết: "Trước đây, lễ cấp sắc bậc thấp nhất là 3 đèn phải chi phí tới hơn chục triệu đồng, kéo dài khoảng 3 ngày, chưa kể đến việc phải mua sắm đồ lễ, trâu, lợn, gà để làm cỗ. Gia đình tôi kinh tế khó khăn nên nhiều năm không thể lo được tiền làm lễ cấp sắc và mãi đến năm vừa qua mới làm được. Bây giờ thì khác, tất cả thanh niên trong thôn đến tuổi trưởng thành đều có thể làm được lễ cấp sắc vì nghi lễ đơn giản hơn, không tốn kém như trước đây”.

Phấn khởi hơn cả là ông Đặng Nho Tài vừa tổ chức cưới vợ cho cậu con trai út mà không tốn kém là mấy. Ông Tài tâm sự: "Nhà tôi có 6 người con, 3 trai 3 gái, các con gái đều đã gả chồng, 3 con trai thì mới có 1 người lập gia đình. Vì số tiền nhà gái thách cưới quá cao, nên hai con trai của tôi đã gần 30 tuổi mà chưa đủ tiền để lo đám cưới. Vậy nhưng, đầu năm 2024 này, gia đình tôi đã tổ chức lễ cưới cho con trai thứ 2, còn lại đứa con trai út thì sang năm khi làm xong ngôi nhà mới sẽ tổ chức cưới nốt. Không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các gia đình trong thôn đều xóa bỏ hủ tục thách cưới. Cho nên, nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng thì đều có thể tổ chức lễ cưới”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, chỉ tay về phía những ngôi nhà xây khang trang trị giá bạc tỷ, ông Quan cho biết: "Để có được thành quả như hiện nay là cả một sự nỗ lực của Chi bộ, thôn và những đảng viên trong thôn đã không quản ngại gian khó đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động đồng bào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế”.

Thực tế ở thôn Thác Tiên trước đây cho thấy, dù địa bàn thôn rộng (diện tích tự nhiên trên 2.000 ha) và cây quế không xa lạ với người Dao, nhưng vì mạnh ai nấy làm, nên người thì có tới vài chục héc - ta quế, người thì không có tý nào nên dẫn đến kinh tế khó khăn. Chăn nuôi hộ gia đình rất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính chất tự túc, tự cấp là chính. "Việc khó nhất là xóa bỏ các hủ tục còn làm được thì việc phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống ấm no không nhẽ lại đầu hàng?” - ông Quan bày tỏ.

Đồng thời, nghĩ được thì phải làm bằng được; bởi vậy, trong các cuộc sinh hoạt Chi bộ, họp thôn, một cuộc cách mạng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được ông Quan cùng các đồng chí trong Ban Chi ủy bàn bạc và đưa ra phương án sao cho hiệu quả nhất. Bằng việc phân công các đảng viên phụ trách giúp đỡ các hộ khó khăn; cán bộ thôn hướng dẫn bà con theo lối "cầm tay chỉ việc” và trên cơ sở khảo sát, phân loại hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, thôn đã tổng hợp danh sách gửi UBND xã tạo điều kiện để các hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế.

Để bà con làm theo, bản thân ông Quan đã gương mẫu làm trước. Sẵn có diện tích đồi rừng với hơn 10 ha, ông tập trung chuyên canh trồng quế và những diện tích quế chưa khép tán ông trồng xen ngô, sắn lấy lương thực chăn nuôi; diện tích vùng trũng thấp, ông dẫn nước để cấy lúa và đào ao thả cá. Cùng đó, ông còn làm thêm dịch vụ thu mua quế vỏ về sơ chế bán cho các cơ sở chế biến quế trong huyện. Thêm thắt mỗi thứ một ít, nhờ vậy, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Ông Quan bày tỏ: "Muốn đồng bào tin và làm theo, bản thân mình phải là người gương mẫu làm trước và phải có hiệu quả thật sự thì bà con mới tin, chứ không thể tuyên truyền suông được”.

Nói được, làm được, thấy hiệu quả rõ rệt, nhân dân đã tự giác làm theo ông Quan và từ chỗ phải tuyên truyền, vận động, đến nay người dân đã biết làm kinh tế, nhiều hộ đã trở nên khá, giàu. Toàn thôn có 12 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với dịch vụ vận tải của gia đình ông Đặng Nho Quyên; mô hình trồng, chế biến sản xuất quế kết hợp với chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Đặng Nho Vượng, với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Thôn có 26 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu về trồng rừng, chế biến quế, kinh doanh dịch vụ buôn bán, vận tải, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm theo mùa vụ cho trên 230 lao động địa phương. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ổn định cũng là lúc địa phương triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Xác định, đây là chương trình lớn, tạo động lực để người dân mở rộng quy mô phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn, qua thực tế khảo sát, ông Quan cùng với Chi bộ, thôn ưu tiên hạng mục giao thông nông thôn là tiêu chí hàng đầu để quyết tâm thực hiện. Gắn chương trình xây dựng NTM của thôn với các phong trào do huyện, xã phát động như các phong trào "Dịch rào hiến đất”, "Chung tay xây dựng NTM”... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thôn.

Đi trên con đường bê tông liên thôn rộng 3 m dài hơn 2 km với giá trị đầu tư gần 2 tỷ đồng mà phần lớn là do nhân dân đóng góp bằng tiền mặt và hiến đất, chúng tôi đã gặp ông Đặng Nho Quyên đang vận chuyển quế vỏ lên xe cho thương lái.

Ông Quyên cho hay: "Ngày trước, nếu khai thác quế phải mất khá nhiều công để vận chuyển từ đồi về nhà thì thương lái mới vận chuyển được. Còn bây giờ, thương lái có thể đưa ô tô lên tận nương quế nên đã giảm được khá nhiều chi phí và công vận chuyển, khiến cho giá trị quế cũng tăng lên. Nhờ đó, người dân yên tâm phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập”.

Đến nay, thôn đã phát triển được hơn 500 ha rừng kinh tế; trong đó, diện tích quế trên 400 ha và nhân dân trong thôn tập trung thâm canh ổn định 50 ha lúa nước 2 vụ, phát triển hơn 20 ha rau màu, hơn 10 ha cây ăn quả các loại. Qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023, cả thôn còn 4 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm. Hằng năm, thôn đều được Đảng ủy, chính quyền địa phương đánh giá từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Chia tay thôn Thác Tiên, ngắm nhìn xóm làng đổi thay và nắm chặt tay chúng tôi, ông La Tài Quan bịn rịn nói: "Khó khăn còn nhiều, mình tôi không thể làm được, nhưng nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của Chi bộ, thôn và bà con, chúng tôi sẽ quyết tâm đưa Thác Tiên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xây dựng NTM trong thời gian tới”.

Từ năm 2021 đến nay, ông La Tài Quan đã cùng với thôn vận động được trên 30 hộ hiến đất làm đường, với tổng diện tích đất hiến trên 4.000 m2, chủ yếu là đất ở và đất trồng quế; trong đó, gia đình ông cũng tự nguyện hiến trên 1.000 m2 đất ở, đất vườn tạp. Nhờ đó, đến nay, 100% các tuyến đường ngõ xóm đã được bê tông hóa bảo đảm tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Giao thông thuận lợi, đã tạo tiền đề để kinh tế phát triển, nhất là việc giao thương cũng trở nên dễ dàng hơn.

Thanh Tân

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/322720/la-tai-quan---pho-thon-nguoi-dao-tien-ph111ng-o-thac-tien.aspx