Lá xanh rối rít mùa hè

Như đã hẹn, trước khi về Hà Nội, tôi đến nhà ông bà Nair, hai người bạn lớn của tôi ở Saint Quentin en Yvellines, để 'trổ tài' nấu nướng, mời ông bà thưởng thức một bữa Việt Nam. Ông Chandran Nair, nhà thơ gốc Ấn, từng làm việc cho UNESCO tại trụ sở Paris. Bà Ivy vợ ông người Malaysia gốc Hoa, hồi trẻ là nhà báo sắc sảo, rồi một ngày 'theo chồng bỏ cuộc chơi'. Ông trầm tĩnh, ôn hòa; Bà tươi vui, sôi nổi.

Hai ông bà có quốc tịch Singapore, nhưng sống ở Pháp đã lâu. Mỗi năm, ông bà chỉ về Singapore một đôi lần. Ba cô con gái của họ đều rất giỏi giang, đã có gia đình riêng. Hai chị lớn ở Mỹ, em gái út ở Anh. Bà Ivy bảo, sở dĩ ông bà không muốn rời Saint Quentin en Yvelines vì đó là nơi các cô gái lớn lên, ăm ắp dấu vết kỷ niệm. Và quan trọng nữa là từ đây, ông bà đi thăm con cháu cũng gần hơn.

Tôi ra ga Vanves Malakoff ngay cạnh nhà, bắt chuyến TGV (tàu cao tốc) sớm, chạy thẳng tới Saint Quentin en Yvelines chỉ chừng ba mươi phút. Mỗi lần đi tàu đến thăm ông bà Nair, tôi thích chọn ngồi dãy ghế bên phải, bâng quơ nhìn qua cửa sổ, ngắm làng mạc, vườn tược, những cánh đồng và cả lâu đài Versailles. Hình ảnh tòa lâu đài cổ mơ màng ẩn hiện xa xa thật gợi cảm, như thể tàu đang đi qua vùng cổ tích. Ông bà Nair ra ga đón, rồi đưa tôi rẽ vào chợ châu Á trước khi về nhà. Cả hai ông bà đều thích nấu nướng.

Bà Ivy thạo món Trung Hoa và Malay. Hai món tủ của ông Chandran là cà-ri và bánh Naan, bánh truyền thống kiểu Ấn, làm từ bột mì, men nở, sữa tươi, đường, muối, dầu ăn, nước và một chút bơ. Bột nhào chừng năm phút, để nghỉ mười phút rồi chia thành những viên đều nhau, cán thật mỏng, nướng bốn phút trong lò ở nhiệt độ 200 độ C. Khi bánh chín, phết một lớp bơ lên cho dậy mùi thơm lựng. Nhưng hôm ấy tôi muốn làm món nộm gà xé phay và phở gà cho bữa tối. Năm chiếc đùi gà vàng gồm cả phần má đùi đã nặng chừng gần hai cân. Đây là gà thả “chạy bộ” trong trang trại, da vàng ươm, thịt chắc ngọt, rất hợp nấu phở, ăn gần giống thịt gà ta. Thêm năm bộ khung xương gà cho ngọt nước.

Tôi mang theo một ít hạt mùi và rễ mùi cùng chục con sá sùng khô, những thứ mua từ Hà Nội, không thể thiếu trong nồi nước dùng phở gà chuẩn vị. Hành tây, hành tím, hành lá, rau mùi, gừng, thêm một mớ răm cho món gỏi gà xe phay. Những rau ríu này, chợ châu Á luôn sẵn, nhưng cứ lồng cồng, lộc ngộc, chẳng thơm như rau củ ở Việt Nam.

Với các món chan nước, đương nhiên nước dùng đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Ang áng cho mười bát phở hôm ấy là nước luộc gà ninh khung xương gà. Gà chín tới, vớt ra, lọc thịt, còn xương lại cho vào nồi tiếp tục ninh riu riu suốt buổi chiều với nào là hành tím, gừng nướng, hành tây, hạt mùi, rễ mùi cùng sá sùng đã rang vàng và rửa sạch cát sạn, nêm mắm muối, thêm vài hạt đường phèn; Để hé vung nồi và thỉnh thoảng phải hớt bọt, gạn bớt mỡ béo, để nước trong lên mầu vàng mơ, chỉ chừa chút xíu váng mỡ lóng lánh.

Nếu ở Hà Nội, tôi sẽ mua khúc mía, nướng chín trên lửa, thả vào thay đường phèn. Vị ngọt của mía sẽ khiến nước dùng vô cùng thanh tao, “mềm mại”. Người Hà Nội sành ăn thường dùng từ “cứng” để nhận xét ý nhị về một nồi nước dùng không ngon. Nước mà lại cứng, nghe tưởng như vô lý nhưng không còn từ nào diễn tả đúng hơn. Thế mới biết tiếng Việt thật kỳ ảo, chỉ người Việt mới có thể cảm nhận được hết mọi biên độ, chiều kích của ngữ nghĩa, dù chỉ nói về một món ăn. Trong thời gian đợi ninh xương gà thật ngấu, tôi tranh thủ ra vườn, hít thở không khí mát lành, tinh khiết của vùng ngoại ô Paris, giúp bà Ivy hái táo làm confiture phết bánh mì baguette cho bữa sáng.

Ông Chandran ngồi đọc sách dưới giàn nho, thỉnh thoảng lại góp một vài câu chuyện cùng chúng tôi. Mảnh vườn nhỏ sau nhà ông bà Nair đủ để trồng nho, táo, anh đào, bí ngòi, cà chua, đậu, xà lách và vô số loại rau thơm. Thật may, có cả một cây chanh vừa bói chục quả, vỏ đang lên phấn, lá non trổ xanh rối rít hè. Chính cây chanh này lần trước đã gợi ý tôi nấu món gà cho bữa ăn chia tay ông bà Nair. Tôi hái một quả chanh to nhất và dăm cái lá. Vài nhánh lá chanh thái lăm tăm mảnh như sợi chỉ sẽ khiến hương vị bát phở gà thêm tinh tế. Ai muốn, có thể hòa mấy giọt nước cốt chanh. Riêng tôi, ăn phở gà không bao giờ vắt chanh, ăn phở bò không cho dấm tỏi, chỉ chút tiêu và tương ớt là không thể bỏ qua.

Tôi thích cái ngọt nguyên vẹn của nước dùng phở, thêm ớt thêm tiêu vị mới tròn đầy. Bánh phở cho món phở gà thường là loại sợi nhỏ, mềm. Ở Pháp chẳng lấy đâu ra phở tươi, phở khô cũng tạm. Trước khi ăn mới chần bánh nóng hổi, xếp thịt gà, hành mùi thái nhỏ, cọng hành chẻ lên trên cùng, một nhúm lá chanh, rồi chan nước dùng đang sôi sùng sục và phải ăn ngay, ăn nhanh trước khi phở nguội. Phần lớn người nước ngoài mê phở Việt Nam nhưng không thể ăn nóng như người Việt. Họ làm sao biết rằng bát phở nguội sẽ kém hấp dẫn đi rất nhiều, càng nguội ngặm càng mất ngon, thậm chí trở nên chán ngắt.

Ngoài phở, tôi trộn gỏi xé phay kiểu miền trung, một trong mấy món học được từ chị Mai Nhung, người chị thân thiết của tôi. Chị quê Quảng Ngãi, là một nhà báo giỏi, trước làm Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay, cực kì bận rộn, ít có thời gian bếp núc. Nhưng khi chị đã ra tay thì có ba món mà theo tôi, chị nấu ngon xuất sắc không kém làm báo: bún cá ngừ, bún bò Huế và gỏi gà. Gà luộc để nguội, xé từng miếng to, trộn với nước mắm nhĩ ngọt thỉu, đường, nước cốt chanh tươi, rau răm, ớt và thật nhiều tiêu, cay xé lưỡi.

Món của chị Nhung chỉ thế, nhưng vào tay tôi, được gia giảm thêm những lát hành tây mỏng manh và cà rốt thái sợi, cho màu sắc vui mắt, lại có vị rau man mát. Từ một món nguyên bản, mỗi người đều được quyền biến tấu tí chút theo khẩu vị và kinh nghiệm riêng, miễn sao không làm mất đi gốc của món ăn. Và như thế, các món ăn luôn có những phiên bản khác nhau, đằng sau nó biết đâu có cả những câu chuyện cuộc đời, những bí mật thầm kín.

Cécile, cô bạn quý người Pháp của tôi, cũng rất thân thiết với ông bà Nair, cùng góp mặt trong bữa chia tay ấy. Cécile chính là dịch giả tiếng Pháp những bài thơ của ông Chandran. Hơn bảy giờ tối bạn đi làm về là chạy ù đến Saint Quentin. Khi Cécile tới thì bữa tối đã sẵn sàng. “Khách mời danh dự” là anh em hai cậu bé đáng yêu, đứa bốn tuổi, đứa sáu tuổi, Gabriel và Rafael, bố người Pháp, mẹ người Singapore, hàng xóm nhà ông bà Nair.

Bố mẹ hai đứa có việc bận phải vào Paris, đưa con sang gửi ông bà từ chiều. Hai cậu bé sử dụng lưu loát cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa. Gabriel là anh, đeo kính, ít nói, hơi bẽn lẽn. Rafael là em, lém lỉnh, bạo dạn. Tôi cứ nhầm tên anh tên em, đôi khi gọi Gabriel là Rafael và ngược lại, vì tên hai đứa trùng với tên các con trai cô bạn rất thân của tôi ở dưới Amboise, chỉ khác thứ tự thôi. Hai cậu bé cứ trêu cô Chân suốt buổi. Chúng đổi áo cho nhau, thằng em đeo kính của anh, rồi bắt tôi phải đoán ai là ai. Đương nhiên lúc ấy tôi đã biết thừa, nhưng cứ vờ liên tục đoán sai.

Chúng nó sung sướng cười như nắc nẻ. Bọn trẻ không ăn được món lạ, nên bà Ivy chuẩn bị khoai tây chiên và gà rán. “À table! Đến giờ ăn rồi!” - Bà ra “hiệu lệnh”. Bọn trẻ đang chơi đùa ngoài vườn lập tức chạy vào, ngay ngắn ngồi chỗ của mình. Ông Chandran thắp nến, rồi khui một chai Rosé, loại vang hồng dễ kết hợp với nhiều món khai vị nhẹ nhàng. Rosé ướp lạnh, nhấm nháp cùng gỏi gà mặn mặn chua chua ngọt ngọt kiểu miền trung nước Việt, một sáng tạo đầy ngẫu hứng của chúng tôi cho bữa tối mùa hè thêm hương sắc. Bát phở gà được chào đón sau cùng. Nồi nước dùng của tôi hôm ấy gây ấn tượng mạnh với ông bà Nair và Cécile.

Mọi người đều thích vị ngọt tự nhiên, thanh mà đậm đà của nó. Món tráng miệng là bánh táo cây nhà, nhâm nhi trà thảo mộc do chính tay ông Chandran chế biến cũng từ các loại lá và cỏ thơm trong vườn. Ông đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ tình ông viết từ thời trai trẻ, tặng Ivy, nàng thơ xinh đẹp của ông. Bà Ivy bỗng trở nên bẽn lẽn, má đỏ bừng, say rượu, say thơ. Bà âu yếm nhìn chồng, mắt lấp lánh cười.

Tôi và hai cậu bé bắt đầu thân nhau. Chúng cứ quấn quýt rúc rích bên cạnh “cô đầu bếp” người Việt. Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Rafael đòi cùng người lớn đưa cô Chân và cô Cécile ra ga về Paris, nhưng không được phép vì đã quá muộn. Hai cậu bé bịn rịn ôm hôn tôi, người bạn mới của chúng, làm tôi cảm động rưng rưng.

Lần sau, nếu tôi quay lại, chắc chắn hai đứa đã lớn, dần cao lên theo những cái cây trong vườn. Có lúc, ước gì bọn trẻ con mà ta yêu quý cứ bé mãi, để ta được nương náu ở thế giới trong veo tinh khiết của chúng. Thế giới ấy sáng tươi như vườn mùa hạ, ăm ắp hoa thơm, quả chín, rực rỡ sắc màu…

NGUYỄN BẢO CHÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vanhoa-nghethuat/la-xanh-roi-rit-mua-he-698957/