Lạc quan với tương lai hợp tác nông nghiệp giữa Hà Nội và Fukuoka

Thành phố Hà Nội và tỉnh Fukuoka nên hợp tác phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch hiệu quả trong môi trường nông nghiệp quy mô nhỏ. Đó là 'hiến kế' của GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện khoa học phát triển nông thôn tại Hội thảo 'Xúc tiến hợp tác nông nghiệp giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Fukuoka', diễn ra ngày 28/6, tại Hà Nội.

Hội thảo do Sở Ngoại vụ và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chịu trách nhiệm tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Sự tương đồng và một nền tàng 10 năm

Theo GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hợp tác giữa hai địa phương.

Thứ nhất, ngoài sự khác biệt thì hai bên có những tương đồng lợi thế cho hợp tác phát triển nông nghiệp. Cụ thể, cả hai địa phương đều có sự kết hợp giữa nét sôi động thành thị với sự yên bình của nông thôn, nên du lịch nói chung và du lịch nông thôn, nông nghiệp là nét đặc trưng. Tuy nhiên lượng khách du lịch của Hà Nội cao gấp 12 lần của Fukuoka.

Sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội được giới thiệu tại Hội thảo.

Cả hai địa phương đều có khí hậu ẩm ướt nhiệt đới, ấm áp ôn hòa, tháng 6- 9 có mưa nhiều với môi trường tuyệt vời được thiên nhiên ưu đãi cho nông nghiệp nhiệt đới. Trong đó, Fukuoka mạnh về lâm nghiệp (nhiều rừng), nông nghiệp (với những lĩnh vực chính như chăn nuôi bò sửa, trồng cây ăn quả và một số loại nông sản như khoai tây, cà chua, đậu…..). Còn nông nghiệp của Hà Nội đa dạng với lúa, cây ăn quả, rau, chè, hoa, lợn gà, bò sữa. “Nền nông nghiệp của cả hai địa phương đều định hướng tiêu dùng nội địa là chủ yếu và nếu có xuất khảu thì hướng vào nông sản có chất lượng cao, đặc sản, không hướng vào số lượng mà hướng vào chất lượng với giá trị gia tăng cao. Nông nghiệp quy mô nhỏ, Nông nghiệp đô thị”, GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung khẳng định.

Với lợi thế của những nét tương đồng đó, hai địa phương đã thiết lập quan hệ hữu nghị 10 năm trên các lĩnh vực khác làm cơ sở cho hợp tác nông nghiệp. Đặc biệt, tuy còn hiếm hoi, nhưng tại Hà Nội cũng đã có một số ít mô hình nông nghiệp theo công nghệ và cách làm nông nghiệp của Nhật Bản. Đó là mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín huyện Mỹ Đức, trong đó tất cả các công đoạn đều sử dụng máy móc và công nghệ của Nhật Bản. Cùng với đó là mô hình trồng rau theo công nghệ Nhật Bản tại thôn Giáp Ngọ, Chúc Sơn, Chương Mỹ. Dự án được triển khai từ tháng 4/2015 và đến vụ đông năm 2017, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn thực hiện mô hình điểm 1.000m2 theo quy trình sản xuất của Nhật Bản.

Hay dự án“Tăng cường năng lực sản xuất và Marketing cho phát triển nông nghiệp bền vững, trao quyền tự chủ cho nông dân, cải thiện sản xuất lúa gạo và môi trường trong sạch hơn” tại thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ ). Dự án thực hiện từ năm 2012-2014 nhưng hiện vẫn tồn tại và phát triển, theo hướng tập trung hỗ trợ năng lực cho nông dân trong sản xuất kinh doanh lúa hữu cơ không dùng vô cơ, hướng dẫn nông dân tìm thị trường trước và lập kế hoạch sản xuất sau…

Tiềm năng đa dạng của nông nghiệp Hà Nội

Theo GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, tuy Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nhưng nét nông thôn - nông dân - nông nghiệp thể hiện khá rõ. Cho đến năm 2016, Hà Nội có tới 17 huyện ngoại thành trong số 30 đơn vị hành chính. Khu vực nông thôn rộng lớn với 50,8% dân số, 47,4% lao động. Đất sản xuất nông nghiệp chiếm 47,6% diện tích tự nhiên được phân bố ở các huyện và một số số quận, thị xã như Sơn tây, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai....

Sản phẩm nông nghiệp sạch được mọi người quan tâm.

Nông nghiệp thu hút tới 24% lực lượng lao động của thành phố. Nông nghiệp Hà Nội có vai trò rất đặc biệt trong cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho dân số, cho dân di cư, khách du lịch, công tác, hội nghị hội thảo quốc gia, quốc tế.

Tuy nông nghiệp Hà Nội chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của thành phố, nhưng vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn lại rất được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả cao.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên nên đất nông nghiệp sẽ giảm đi, nhưng theo quy hoạch đến năm 2020 đất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chiếm tới 194.429 ha, chiếm 51,93% diện tích tự nhiên của thành phố. Trong đó, đất trồng lúa là 95.003ha, chiếm 28,28% diện tích tự nhiên. Điều đặc biệt là trong vùng đồng bằng sông Hồng thì đất nông nghiệp của Hà Nội thường lớn gấp 2, 3, thậm chí 4 lần các tỉnh khác”, GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung khẳng định.

Hiện tại, Hà Nội đã quy hoạch và đầu tư lớn theo các chương trình, đề án cho các vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung như lúa hàng hóa chất lượng cao, rau, chè, quả giá trị cao, vùng chăn nuôi lợn, gà, bò sữa. So với vùng đồng bằng sông Hồng thì sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đứng đầu về diện tích đất nông nghiệp, đàn lợn, đàn gà, đàn bò sữa. So với cả nước thì Hà Nội có đàn gà đứng thứ nhất, đàn lợn đứng thứ hai và đàn bò sữa đứng thứ 5...(số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2016). Về vệ sinh an toàn thực phẩm đã có những chương trình, đề án với đầu tư lớn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội. Hà Nội có và có khả năng huy động nguồn lực vật chất, lao động, khoa học, ngoại ngữ... cho hợp tác nông nghiệp với các nước thế giới.

“Vì vậy, nếu có chiến lược và đầu tư thỏa đáng cho hoạt động xúc tiến hợp tác nông nghiệp thì khả năng thành công là rất cao”, GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung quả quyết cho biết.

Trước thực tế này, theo bà Dung, định hướng chung của sự hợp tác giữa hai địa phương nên là hợp tác phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch hiệu quả trong môi trường nông nghiệp quy mô nhỏ.

Cụ thể, hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là tất yếu, nhưng cũng rất mới với Hà Nội. Đến nay, toàn thành phố có khoảng 105 mô hình trong các lĩnh vực nhưng các mô hình chưa đồng bộ, chưa thành hệ thống và cũng chỉ ở mức thấp của CNC, nên cần hợp tác và hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế nếu không sẽ khó bền vững. Vì vậy, nên chọn lựa hợp tác phát triển các mô hình kinh doanh nông nghiệp ứng dụng đầy đủ các yếu tố của CNC và CNC hiện đại. Phát triển mô hình kinh doanh nông nghiệp CNC đi từ CNC đầu vào, CNC sản xuất và CNC bảo quản chế biến, thậm chí cả CNC tiêu dùng nhằm tạo giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, nên hợp tác phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Đây là lĩnh vực mới được thúc đẩy trong thời gian gần đây. Hợp tác để sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đưa được sản phẩm hữu cơ vào các chuỗi kinh doanh. Trước hết cần hợp tác để xác định hướng đi cho NNHC của Hà Nội và xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó, nên hợp tác để khai thác các nguồn phế phụ phẩm, rác thải sản xuất, rác thải sinh hoạt tại chỗ chuyển thành phân bón cho sản xuất nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Hợp tác khai thác đất lúa là loại đất chiếm diện tích lớn nhưng lại kém hiệu quả nhất trong các cây trồng hàng năm; Hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông như đỗ tương, khoai tây để có giá trị cao từ đó khuyến khích khai thác đất lúa.

Hợp tác phát triển tổ chức sản xuất và tăng cường năng lực kinh doanh nông nghiệp như xây dựng và quản lý HTX nhất là HTX chuyên khâu như kiểu của Nhật, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp như nông dân Nhật.

Và cuối cùng, hợp tác trong việc trao đổi nông sản, lao động, khách du lịch đủ tiêu chuẩn từ Việt Nam sang Nhật Bản và ngược lại. Hợp tác trong việc đào tạo chuyên gia, chuyên môn tại chổ cho Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hành sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gôc và cấp chứng nhận nông sản để khai thác thị trường cao cấp của Hà Nội.

Bài, ảnh: LP/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/lac-quan-voi-tuong-lai-hop-tac-nong-nghiep-giua-ha-noi-va-fukuoka-20180628174625706.htm