Lạc vào thế giới trà my

Khao khát sưu tập, nhân giống bảo tồn trà my rừng Việt Nam, 10 năm qua, ông Trần Hoàng Thân (SN 1963, phường 10, TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng) dành nhiều tâm sức đi khắp các khu rừng Nam - Bắc di thực thành công hàng chục loại trà my. Hiện ông đang sở hữu hai vườn trà my với nhiều giống hiếm lạ, khiến nhiều người mơ ước.

Ông Thân nhân giống trà my nội để bảo tồn nguồn gen quý.

Đến lễ hội Festival Hoa Đà Lạt 2017, nhiều du khách như lạc giữa rừng hoa nội – ngoại, song vẫn không khỏi trầm trồ, tìm hiểu cây trà my nở hoa đỏ sẫm độc đáo của ông Trần Hoàng Thân.

Đưa tay nâng niu từng bông hoa trà, ông Thân cho biết đây là loài Đa Tử Trà Hương quý hiếm, rồi ông chia sẻ hành trình sưu tập trà my rừng. Ông vốn yêu sinh vật cảnh từ nhỏ, đã có nghề cây kiểng và cũng từng là tay chơi trà my ngoại nhiều năm. Về sau ông nhận ra “sưu tập” không đơn thuần là tập hợp lại, sở hữu mà phải lăn lội kiếm tìm mới thú vị. Hơn nữa, trà my là loài hoa kiêu kỳ. Không thế mà các chuyên gia hàng đầu thế giới về trà my như Nhật Bản, Úc… đều đổ về rừng Việt Nam tìm kiếm, nghiên cứu. Tại sao ta không tự sưu tập giống nội vừa thỏa mãn thú chơi vừa phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn, vẹn cả đôi đường, ông Thân bày tỏ.

Nghĩ là làm, năm 2007, ông bán hết trà my ngoại lấy vốn sưu tập trà my nội. Ông tìm nhờ thạc sĩ Lương Văn Dũng, phó Chủ nhiệm khoa Sinh, trường Đại học Đà Lạt – người được ví là “kẻ nghiện trà my” giúp đỡ về mặt khảo sát, nghiên cứu, còn mình đảm nhận việc di thực, chăm sóc và nhân giống. Kể từ đây, hễ nghe nơi nào có trà my, ông và các cộng sự kiểm chứng thông tin, tìm đến tận nơi để mục sở thị.

Ông cho hay, cấu tạo lá trà hình răng cưa sẽ cho ta nhận biết sơ khai về loài hoa này. Tiếp đến chờ hoa nở để thử ADN sinh học phân tử mới kết luận được đó có phải là trà my hay không! Loài này chỉ sống ở rừng, địa hình hiểm trở nên phương án tối ưu để đưa trà my xuống núi là cắt cành, chiết hom. Để hom giống sống được trong quá trình di chuyển, ông luôn chuẩn bị thùng đồ nghề chuyên dụng gồm dụng cụ cắt chiết, giá thể đặt hom, thuốc dưỡng gốc… Ngoài chiết hom mang về, ông Thân không quên cắm tại nơi lấy giống vài nhánh để nhân số cây trà my trong rừng, tránh trường hợp tuyệt chủng.

Hoa Ða Tử Trà Hương đẹp quyến rũ.

Ngược – xuôi khắp cánh rừng Nam – Bắc từ Hà Giang, Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Đồng Nai với bao gian truân, nhưng ông Thân vẫn coi đó là những cuộc rong chơi tìm điều mình thích. Một trong những “cuộc rong chơi” mà ông nhớ nhất, là lần đến vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng để di thực Đa Tử Trà Hương (tên khoa học Polyspora huongiana). Đây là loại cây lạ thuộc họ trà my, thân gỗ, mọc ở độ cao 1.600 m, lá hình elip hẹp, hoa mọc đơn ở nách lá và có màu hồng đến đỏ sẫm. Loài này lần đầu phát hiện tại Việt Nam và trên thế giới vào năm 2012. Để di thực thành công loài trà này, ông đã lui tới vườn quốc gia nhiều lần, kỳ công chăm sóc suốt thời gian dài cây mới chịu đơm nụ nở hoa.

Ông tâm sự, hành trình mang trà về đã khó nhưng để cây sống và nở còn khó gấp vạn lần. Bởi trà vốn là loài mọc dại trong rừng, muốn cây thích nghi ở môi trường mới phải đảm bảo các yếu tố về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… như môi trường tự nhiên. “Đem trà my về trồng sống thôi chưa đủ. Không có hoa không nói lên được điều gì nên dù khó bao nhiêu tôi vẫn quyết bắt cây ra hoa bằng được”. Cuối cùng công sức của ông đã được đền đáp. Cây Đa tử trà Hương mang về tấm huy chương vàng thuộc bộ môn cây quý tại Hội hoa xuân TPHCM năm 2013, nâng số huy chương Vàng, Bạc, Đồng về cây cảnh của ông lên con số 80.

Ông tiết lộ bí quyết để trồng trà my ra hoa nằm ở khâu chăm sóc: Người trồng phải bón phân, tưới nước cho cây đầy đủ, tuyệt đối không để cây khô nước; phun thuốc phòng sâu bệnh định kỳ trước khi rầy, sâu xâm nhập ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Thông thường, trồng 2 năm trà my bắt đầu cho hoa.

Tròn 10 năm sưu tầm trà my rừng Việt Nam, ông Thân sở hữu trong tay hai vườn trà my lớn ở TP. Đà Lạt (trồng các loại trà ưa xứ lạnh) và TP. Bảo Lộc (dành cho trà thích nền nhiệt nóng) với hàng trăm cây trà to nhỏ khác nhau thuộc 30 loại giống nội như: Đa tử, đa tử lá nhỏ, trà hoa vàng, trà hoa trắng, trà hoa đỏ…Trà my rừng ít có mùi hương, nhưng bù lại mỗi loại nở hoa theo từng mùa khác nhau. Mùa xuân Đa tử nở đỏ, mùa thu có trà hoa vàng, nên hầu như khu vườn lúc nào cũng tươi thắm màu hoa.

Nói về dự định tương lai, ông Trần Hoàng Thân cho hay sẽ tiếp tục công việc sưu tập, nhân giống trà my rừng Việt Nam. Đích ông hướng đến không còn là thú chơi hoa thông thường mà là bảo tồn nguồn gen trà quý hiếm và phục vụ công tác nghiên cứu cho ngành y dược. Trà my giàu hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người, sẽ rất cần số lượng lớn trà my trong thời gian tới...

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/lac-vao-the-gioi-tra-my-1240770.tpo