Lai Châu: Chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới

Đó là phương châm chỉ đạo xuyên suốt của ngành giáo dục tỉnh Lai Châu trong triển khai công tác chuẩn bị mọi mặt cho năm học mới 2018 - 2019.

Ngành giáo dục tỉnh Lai Châu luôn quan tâm củng cố cơ sở vật chấtphục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. (Ảnh: QM)

Ngành giáo dục tỉnh Lai Châu luôn quan tâm củng cố cơ sở vật chấtphục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. (Ảnh: QM)

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa song ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019. Năm học mới, toàn ngành giáo dục Lai Châu có 414 trường, giảm 10 trường; 5.887 lớp, tăng 50 lớp so với năm học trước. Với quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tạo động lực nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp ở các bậc học; rà soát số học sinh trong độ tuổi ra lớp; tu sửa trường lớp học đã xuống cấp; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng việc dạy và học của năm học mới theo quy định. Theo đó, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới, ngay sau khi kết thúc năm học, ngành Giáo dục đã chủ động tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, lớp học đã xuống cấp cần sửa chữa hoặc đầu tư mới. Đồng thời, rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy mô trường, lớp hợp lý, thu gọn các điểm trường, các trường có quy mô nhỏ trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, song vẫn phải đảm bảo hoạt động giáo dục có hiệu quả. Tính đến cuối tháng 8/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã tiến hành mua bổ sung sách giáo khoa: Tiểu học: 171.481 quyển; Trung học cơ sở (THCS) 62.829 quyển; Trung học phổ thông (THPT) 15.831 quyển; vở viết: 420.296 quyển; đầu tư thiết bị, đồ dùng phục vụ học sinh bán trú với tổng kinh phí trên 20,2 tỷ đồng.

Cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục tỉnh ta còn chú trọng triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho giáo viên ở tất cả các cấp học theo nội dung chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian từ ngày 28/7 - 6/8, Ban Chỉ đạo Bồi dưỡng Chính trị hè tỉnh Lai Châu năm 2018 đã mở 26 lớp bồi dưỡng, trong đó: 2 lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT; 4 lớp bồi dưỡng cho các giảng viên cốt cán cấp học mầm non, tiểu học; 3 lớp bồi dưỡng cho hiệu trưởng các cấp học; 6 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh cấp THCS và 11 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT. Thông qua công tác bồi dưỡng đã giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, có thêm cơ hội được trao đổi kinh nghiệm dạy học, bổ sung những kiến thức mới phục vụ cho công tác giảng dạy.

Theo đồng chí Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu chia sẻ, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Lai Châu trong năm học 2018 - 2019 đó là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng mối đoàn kết trong mỗi cơ quan, đơn vị trường học. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội vận động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số; đặc biệt đối với các trường vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường nề nếp, kỷ cương, dân chủ trong trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Giáo viên Trường Mầm non Noong Hẻo, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu)sắp xếp, trang trí lớp học, thu hút trẻ đến trường. (Nguồn: baolaichau.vn)

Tìm hiểu được biết, một trong những vấn đề khó khăn nhất trước thềm năm học mới ở Lai Châu đó là công tác bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học. Cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh Lai Châu hiện còn khoảng 15,6% phòng học tạm, học nhờ; số phòng công vụ ở tạm của giáo viên là 15,4%; tỷ lệ phòng học ở bán trú tạm và mượn của học sinh là 15,1%. Cùng với đó, cơ sở vật chất (trường, lớp, phòng học bộ môn, trang thiết bị thí nghiệm và đồ dùng dạy học) còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Việc đầu tư mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học trong các nhà trường chưa thực sự đồng bộ… Đặc biệt, đợt mưa lũ cuối tháng 6/2018 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho một số đơn vị trường học, gia đình giáo viên, học sinh tại các địa phương như Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ… Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã kịp thời tổ chức kiểm tra, động viên, hỗ trợ và đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí khắc phục. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát số phòng học tạm và một số hạng mục phụ trợ đã xuống cấp; phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tu sửa, nâng cấp một số phòng học tạm tại các trường và nhất là các điểm trường; triển khai làm mới một số phòng học tại các trường còn thiếu. Trên cơ sở đề xuất của các huyện, Sở đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên các nguồn vốn giao cho các huyện chủ động trong việc nâng cấp, sửa chữa phòng học tạm, công trình vệ sinh cũng như hạng mục phụ trợ khác. Nhờ vậy, cơ sở vật chất về trường, lớp học đã dần được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập.

Có thể nói, với sự nỗ lực của ngành giáo dục, đến thời điểm này, tỉnh miền núi Lai Châu đã cơ bản chuẩn bị xong các điều kiện về nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo viên, học sinh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, sẵn sàng cho “Ngày hội đến trường” của con, em đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

Quang Minh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/lai-chau-chuan-bi-tot-nhat-cho-nam-hoc-moi-495955.html