Lại đến 'nước mắt' trái Thanh Long

Thanh Long lại tiếp tục rơi vào khủng hoảng 'được mùa mất giá' khiến người nông dân lao đao. Nguyên nhân thì có nhiều, thậm chí giải pháp cũng đã được đưa ra, nhưng tựu chung khi khủng hoảng xảy ra, người nông dân vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi và bị chỉ trích. Trước vấn đề này nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng các giải pháp đưa ra từ các cấp, các ngành vẫn còn đang nằm trên giấy?.

Giải pháp thực sự đang ở đâu?

Sau hàng loạt cuộc khủng hoảng nông sản, không chỉ ngành nông nghiệp, mà rất nhiều các cơ quan ban ngành khác cũng đã vào cuộc và tìm hướng giải quyết cho vấn đề này. Thậm chí, tại buổi đối thoại với nông dân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hải Dương vào đầu năm, việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản tiếp tục là một trong những vấn đề được quan tâm nhất. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phải khắc phục tình trạng được mùa mất giá…

Cần tìm thị trường mới cho quả Thanh Long thay vì mãi phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Chỉ đạo tích cực, vào cuộc sát sao, thế nhưng câu chuyện quả Thanh Long tiếp tục rớt giá trong những ngày qua khiến nhiều người nghi ngại về sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng rớt giá nông sản, đặc biệt với quả Thanh Long, nông sản có “truyền thống” rớt giá.

Thực tế cho thấy, hơn 1 tuần nay, Thanh Long Bình Thuận rớt giá thảm hại. Hiện giá Thanh Long ruột trắng chỉ giá khoảng từ có 500 - 2.000 đồng/kg, trong khi 2 tuần trước có giá bán 20.000 – 23.000đồng/kg (loại 1). Trong khi đó, giá Thanh Long loại 2, thậm chí còn không có người thu mua.

Lâu nay ta nghe nhiều đến cụm từ “giải cứu” nông sản, rồi ứng dụng công nghệ thời 4.0 vào sản xuất - chế biến nông sản.

Tuy nhiên, có một vấn đề nổi cộm bao năm qua vẫn không thể giải quyết được đó là bài toán đầu ra và thị trường tiêu thụ mang tính dài hơi. Việc “nước mắt” trái Thanh Long ở Bình Thuận, Tiền Giang tiếp tục rơi là minh chứng sống động.

Cùng chung cảnh ngộ với quả Thanh Long ở Bình Thuận, tại Tiền Giang, Long An và một số tỉnh thành khác, giá Thanh Long cũng rơi vào tình trạng rớt giá và đổ đống ngoài đường, trong khi các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay với việc tìm ra nguyên nhân, giải pháp, thì người nông dân chỉ biết khóc ròng. Trước thực trạng này, không ít người tỏ ra nghi ngại về việc tìm giải pháp, tìm đầu ra cho nông sản của ngành nông nghiệp, đặc biệt là đối với quả Thanh Long.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, tình hình Thanh Long mất giá, không tiêu thụ được vừa qua là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất là do cung vượt cầu. Hiện diện tích Thanh Long ở tỉnh Bình Thuận và nhiều tỉnh khác đều tăng.

Bên cạnh đó, hiện phía Trung Quốc cũng đã trồng Thanh Long với diện tích lớn nên thị trường tiêu thụ Thanh Long Việt Nam ở Trung Quốc sẽ giảm. Ngoài ra, còn một số tác nhân khác như việc người dân giữ nông sản chờ giá tăng…là một trong những nguyên nhân khiến giá Thanh Long rơi vào khủng hoảng.

Đừng mãi đổ lỗi cho người nông dân

Thông tin về nguyên nhân khiến Thanh Long rớt giá những ngày vừa qua, ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, hiện toàn tỉnh hiện có trên 27.000 ha Thanh Long. Cùng thời điểm này vụ Thanh long 2017 có mức giá trên 20 ngàn đồng, các nhà vườn có tâm lý chọn thời điểm tiêu thụ Thanh Long nên vào vụ làm điện sớm. Đến thời điềm cuối tháng 9, đầu tháng 10 sản lượng Thanh Long đột ngột tăng cao điều này khiến thị trường đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu Thanh Long cũng bị động về kế hoạch, dẫn đến một lượng lớn thanh long bị ùn ứ cục bộ và giá tụt mạnh thời gian qua.

Cũng theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân là do đa số người trồng Thanh Long năm nay tập trung giữ lại lứa mùa cuối vụ với hy vọng bán được giá cao hơn và một số nông dân chong đèn sớm dẫn đến sản lượng tăng đột biến. Từ ngày 25/9 đến 4/10 là thời điểm thu hoạch của lứa mùa có sản lượng lớn nhất trong năm.

Với sản lượng thu hoạch quá lớn và thu hoạch trong khoảng thời gian ngắn (trong vòng từ 05 đến 10 ngày) nên các doanh nghiệp không đủ năng lực để tiêu thụ, kể cả thu mua để dự trữ. Do vậy, các doanh nghiệp đã ngưng mua vì đã hết khả năng dự trữ tại các kho lạnh, dẫn đến giá Thanh Long giảm sâu.

Liên quan đến vấn đề “được mùa mất giá”, ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khi nông sản rớt giá, việc đầu tiên chúng ta thường đổ lỗi cho người nông dân trong việc tự ý mở rộng thị trường, giữ giá... Thế nhưng, liên tiếp các cuộc khủng hoảng, giải cứu nông sản diễn ra thì cần phải xem xét lại quan điểm và vai trò của nhà nước, doanh nghiệp, cũng như các tổ chức liên quan trước khi đổ lỗi cho người dân.

Cũng theo ông Dũng, câu chuyện “giải cứu” nông sản hiện nay như “đặc sản” của nông nghiệp trong nước. “Vừa cũ, vừa mới, cũ vì năm nào cũng có, mới vì mỗi năm lại có thêm một vài loại nông sản cần giải cứu. Trong khi đó, biện pháp giải quyết thì vẫn chung chung, thậm chí mang tính tạm thời mà chưa có tính kế hoạch lâu dài”, ông Dũng nhấn mạnh.

Từ sự việc trên có thể thấy, không biết đến bao giờ người trồng Thanh Long ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam mới thôi chịu cảnh bấp bênh, khốn đốn này? Không biết đến bao giờ người trồng mới tìm được thị trường tiêu thụ chủ lực ổn định, ngoài bạn hàng Trung Quốc? Để sau mỗi mùa vụ, trên gương mặt những người nông dân này là niềm hân hoan, rạng rỡ chứ không phải là nỗi âu lo, hằn thêm vẻ khắc khổ. Và để làm được điều đó, không ai có thể phủ nhận vai trò của nhà nước. Thế nhưng, chúng tay hãy thôi suy xét, tìm hiểm nguyên nhân mà cần hành động để giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lai-den-nuoc-mat-trai-thanh-long-81242.html