Lại hoang mang với... tên bài hát

Không phải tự nhiên những lời bức xúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung về thị trường âm nhạc hiện nay nhận được nhiều sự ủng hộ của người nghe nhạc và các đồng nghiệp. Nhất là khi những ca khúc với ca từ dễ dãi, tựa đề câu khách, lập lờ chữ nghĩa gây phản cảm đang nhan nhản trên mạng.

Bảo Anh và tựa đề bài Như lời đồn gây tranh cãi

Trào lưu đặt tên bài hát gợi tò mò, suy đoán… của một số ca sĩ trẻ hiện nay đang là chủ đề gây tranh cãi không chỉ với người nghe mà cả những người làm nghề. Những cái tên không ăn nhập với nội dung bài hát, gợi sự suy đoán ngược bằng những cái tên tục tĩu, thiếu văn hóa…

Trên các trang nghe nhạc trực tuyến, những ca khúc mang cái tên gây tranh cãi như NLĐ- Như lời đồn; Nóng như cái lò; Thu Dẩm; Nắng cực... Điều đáng nói là những cái tên gây tranh cãi bởi lập lờ chữ nghĩa, khi bị nói lái, nói ngược sẽ mang những ý nghĩa tục tĩu, phản cảm với người nghe. Hơn nữa, nội dung bài hát không ăn nhập, cũng chẳng liên quan gì đến tựa đề bài hát. Điều này khiến nhiều khán giả phản ứng, khó chịu. “Tại sao lại phải đặt những cái tên như vậy? Nó phục vụ gì và gửi gắm điều gì đến người nghe không? Câu trả lời chắc chắn là không. Đây chỉ là trò hùa theo những câu nói “hot trend” trên mạng mà tác giả cố tình đưa vào để gợi sự tò mò của người nghe”, một khán giả bình luận.

Bức xúc về những tên bài hát gây khó chịu, tục tĩu cho người nghe, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung viết trên trang cá nhân của mình: “Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi một bài hát là phải đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đến nội dung ý nghĩa, đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác là người điêu khắc nên cái đẹp đó, trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp. Để làm gì? Để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống! Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi đẹp và lối sống đẹp. Đó là tôn chỉ rõ ràng của tôi khi sáng tác, khi làm nghề! Vì vậy, tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo “nghệ sĩ” mà cứ muốn thể hiện cái ngông , cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả, vì nói thẳng, đại đa phần khán giả trẻ dân trí còn thấp”.

" Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi một bài hát là phải đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đến nội dung ý nghĩa, đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ! Và người sáng tác là người điêu khắc nên cái đẹp đó, trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp." (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung)

Không chỉ đặt những cái tên gây sốc khi bị khán giả phản ứng hoặc lên tiếng thì các ca sĩ, tác giả lại biện minh do khán giả suy diễn chứ họ không có ý như vậy. Nếu đã như vậy thì tại sao lại chọn những tựa đề lập lờ câu chữ, không ăn nhập với nội dung bài hát để gây tranh cãi. Hay đây cũng chỉ là chiêu trò mà chính các nghệ sĩ cố tình tạo ra để khán giả phải chú ý?

Trước đây, những nghệ sĩ Yanbi, Mr T và T-Akayc đã từng bị xử phạt vì biểu diễn ca khúc Phiếu bé ngoan mang nội dung tục tĩu trước khán giả. Nhưng trên các trang nghe nhạc trực tuyến hiện nay, không ít những ca khúc gắn mác dòng nhạc underground nhưng ca từ tục tĩu, thiếu văn hóa nhan nhản trên mạng. Đành rằng, dòng nhạc này mang sự tự do, ca từ phóng khoáng nhưng đến mức vô văn hóa thì… không thể nghe được.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Tại sao phải cố tình đặt những cái tên như thế để truyền thông, để gây tò mò, để tạo trào lưu? Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ sách đó? Và những bài hát với những cái tựa như thế tuyên truyền được điều gì cho giới? Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con?”.

Câu hỏi này có lẽ cũng là nỗi niềm của rất nhiều người trong giới. Một ca khúc được đầu tư chỉn chu từ hình ảnh, nội dung bài hát tử tế lại không thể “hot” bằng những ca khúc nhảm về nội dung, nhạt về hình ảnh... Bên cạnh những “chiêu” xưa cũ là hình ảnh hở hang, cảnh nóng... thì các ca sĩ, tác giả thời nay chọn cách đặt những tựa gây sốc, đánh mất sự trong sáng của âm nhạc trong sự lập lờ.

Nhạc sĩ T (xin không nêu tên) cho rằng: “Mỗi người nhạc sĩ trước hết là người có trách nhiệm với bài hát của mình trước khán giả. Nếu anh không tôn trọng người nghe tức là đang không tôn trọng mình. Cá tính âm nhạc không phải ở chỗ chơi ngông qua những cái tên lập lờ gây hiểu sai về ngữ nghĩa. Nó thể hiện phông văn hóa của họ trên đó. Âm nhạc chân chính không thể bị đánh đồng với thứ bị coi là “rác văn hóa” như vậy”.

Tất nhiên, theo quy luật tự nhiên, những thứ không có giá trị sẽ sớm tự đào thải. Nhất là những ca khúc thiếu văn minh, ca từ nhạt nhẽo, không có giá trị... thì không “chung chiếu” trong nền âm nhạc Việt...

Trả lời một tờ báo, nhạc sĩ Dương Cầm, nhà sản xuất âm nhạc từng giành được 2 giải thưởng âm nhạc Cống hiến cho hạng mục Nhạc sĩ của năm và Nhà sản xuất của năm đã nói thẳng: “Tôi chỉ là một người dân bình thường. Nhưng nếu tôi có quyền tôi sẽ cấm ca khúc đó (Như lời đồn-NV)”.

Đặt tiêu đề là “Như lời đồn”, tất cả chúng ta đều hiểu là có ngụ ý như thế nào, rõ ràng nó không đẹp. Đây cũng không phải là lần đầu tiên của Khắc Hưng. Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên kích động như vậy. Nó làm mất đi sự đẹp đẽ, trong sáng của âm nhạc. Và cũng nên nhớ một điều không phải tất cả khán giả đều ủng hộ, yêu thích bài hát đó. Số đông nghe ca khúc như vậy, đôi khi chỉ là cộng đồng mạng. Người trí thức, có ăn có học, nghiêm túc trong đời sống họ sẽ có lựa chọn âm nhạc khác”. T.Dũng

MAI LINH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/artmid/521/articleid/12209/lai-hoang-mang-voi-ten-bai-hat