Lải Lèn - Câu hát vượt thời gian

Sự thật là, dù không mượt mà, sâu lắng, trữ tình như khúc hát giao duyên của vùng châu thổ sông Hồng, không nhẩn nha nhâm nhi như làn điệu chèo cổ ấm tình cội rễ ở Thái Bình, Lải Lèn từ bao đời nay vẫn được người dân thôn Nội Chuối, xã Bắc Lý, Lý Nhân, Hà Nam cất lên, đượm màu sắc linh thiêng và màu nhiệm.

Già Lưu Thị Ngần hoài niệm về câu hát Lải Lèn xưa.

Già Lưu Thị Ngần hoài niệm về câu hát Lải Lèn xưa.

Trong ký ức già làng

Không ai còn nhớ nổi câu hát Lải Lèn có từ bao giờ. Chỉ nghe các cụ nghệ nhân trong làng kể lại rằng: Thuở ấy, trong một cuộc đấu tranh chống quân Lương, Triệu Quang Phục đã lợi dụng địa thế hiểm trở của vùng Đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) và nhiều vùng thuộc ngã ba sông Hồng để làm căn cứ.

Lúc bấy giờ làng Nội có một vị tướng nổi tiếng về tài thao lược được giao nhiệm vụ bày binh bố trận để chống lại cuộc xâm lược của đội quân nhà Lương hùng mạnh. Sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua, Triệu Việt Vương đã về thăm lại vùng đất Yên Trạch. Nhân dân mừng rỡ đón rước rất long trọng và múa hát Lải Lèn có lẽ cũng bắt đầu từ đó.

Sau khi vua mất, người dân trong 3 làng cùng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lải Lèn và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần, cùng với đó, tục chạy ngựa, bơi chải cũng trở thành tích trò diễn xướng nhằm tái hiện những cuộc chiến, những thắng lợi của vua tôi họ Triệu.

Sau khi có đình làng riêng rẽ cùng thờ chung Triệu Việt Vương, dân ba làng đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm cho chu đáo. Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng Nội múa hát Lải Lèn”.

Theo một số khảo cứu gần đây, câu hát Lải Lèn xưa lại mang đậm dấu ấn của thời Hậu Lê: Khi vua Lê Thánh Tông thưởng ngoạn trên con sông Long Xuyên, sông Châu, sông Đáy vào Nam bình Chiêm, câu hát Lải Lèn nhằm diễn tả cảnh mừng vua Lê chiến thắng quân Chiêm trở về.

Giờ đây đã trải qua biết bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, chỉ làng Yên Trạch là vẫn còn giữ được tích Triệu Việt Vương: Múa cờ, tục làm bánh dày; đặc biệt là tục chạy ngựa nhằm diễn tả hành động dũng cảm của Triệu Việt Vương khi trầm mình xuống sông Đáy tự vẫn (ấy là cảnh đau lòng khi người và ngựa cùng đường lao xuống dòng sông).

Còn tục bơi chải của làng Đọ và tục hát Lải Lèn của người dân làng Nội Chuối đã và đang rơi vào vòng xoáy của thời gian. Nhưng với ý thức và tâm nguyện gìn giữ những giá trị truyền thống ông cha đã để lại, người dân làng Nội Chuối đã góp công xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ. Và câu hát Lải Lèn dẫu có thời gian vắng bóng vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và trân trọng, bảo tồn và phát huy, coi đó như là tinh thần, là vật báu quý hiếm của làng.

Dẫu đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng già Lưu Thị Ngần - một trong những nghệ nhân hiếm hoi có công lưu giữ và truyền dạy về câu hát Lải Lèn - vẫn còn minh mẫn lắm. Ngồi bên cạnh già trong một buổi chiều cuối đông tháng ba se se gió, tiết trời đẹp trải dài trên con đường làng Nội như làm cho nắng chiều vàng hơn và buổi chiều vui hơn. Nhưng nét mặt của già Ngần thì chẳng vui lên chút nào. Nhìn vào ánh mắt già tôi biết điều đó. Chỉ tay sang bên đằng xa, già nói, ấy là đình làng Nội Chuối, cháy mất hồi chống Pháp. Đấy là cái kho giá trị tinh thần được nhân dân thờ phụng biết bao đời, đấy là nơi đã hun đúc tâm hồn không biết bao nhiêu thế hệ, cho dân làng cuộc sống, cho dân làng niềm vui, nuôi lớn người làng từ hồn cốt, đấy là nơi ngày trước từng nuôi giấu cán bộ cách mạng...

Bây giờ mỗi lần nhìn sang ngôi đình làng trống hoắc già buồn muốn khóc. Rồi từ niềm riêng ấy, già Ngần đưa tôi trở về với niềm tự hào của câu hát Lải Lèn từ cái hồi xa xưa nhất. Già bảo, trước kia, đình làng Nội to đẹp có tiếng, những cột lim kê đá tảng thắt cổ bồng lừng lững uy nghiêm. Cứ vào cữ “hai nhăm tết” là 12 cô gái và 8 chàng trai thanh tân độ tròn đôi tám lại tụ họp ở đình và được các thầy Lải dạy múa hát. Tối mồng 2 tết, mọi nghi thức, giai điệu, lời ca được ôn luyện thật nhuyễn, chuẩn bị cho ngày mồng 3 chính hội. Thuyền đua làng Đọ theo sông vòng qua trước cửa đình làng Nội trong tiếng reo hò của quan viên, khách họ và dân làng…

Thế rồi chiến tranh loạn lạc đã làm đứt đoạn những kỳ hội làng đáng nhớ ấy. Sau khi tỉnh nhà tái lập, năm 1999, cùng với nhiều miền dân ca đặc sắc của quê hương núi Đọi, sông Châu, múa hát Lải Lèn thêm một lần được tôn vinh, được ca tụng. Những cảnh múa hát được dựng lại, được ghi hình và lưu truyền rộng rãi với khách gần, khách xa. Khỏi phải nói niềm vui của người dân nơi đây. Thế nhưng cũng chỉ chừng có thế, nhiều năm nay tục múa hát Lải Lèn đã không còn hiện hữu trong những dịp hội làng.

Múa hát Lải Lèn ở làng Yên Trạch, xã Bắc Lý (Hà Nam).

Câu hát vẫn sống trong mỗi người

Hồi tưởng về câu hát Lải Lèn xưa, đó là một cái duyên trời se, già yêu mến câu hát Lải Lèn từ cái tuổi đôi mươi. Vào thời điểm ấy, cứ mỗi khi đầu xuân năm mới, đó cũng là dịp bày tỏ tấm lòng thành kính linh thiêng tới đất trời, nhưng không hiểu vì lý do gì mà hội làng không được mở, hát Lải Lèn cùng theo đó mà dần mai một đi. Bởi đã trót duyên với câu hát Lải Lèn nên dù không được biểu diễn ở lễ hội của làng nhưng già Ngần và những người yêu câu hát Lải Lèn vẫn thường ngày tự tập luyện rồi biểu diễn cho bà con trong xóm, dưới làng xem trong mỗi dịp xuân về.

Và rồi cho đến hôm nay già vẫn say sưa truyền dạy cho con cháu mong ước được gửi gắm trong từng câu hát Lải Lèn để không bị rơi vào lãng quên dù cuộc sống có đổi thay. Nhưng già bảo, ngày xưa, ở thời điểm đó câu hát Lải Lèn chỉ duy nhất được truyền lại cho con gái làng, mà nhất phải là người con gái chưa chồng, nhưng rồi để lưu giữ lâu dài, các cụ đã quyết định truyền cho con dâu làng. Cõ lẽ vì thế mà câu hát Lải Lèn vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay.

Chị Lưu Thị Thủy, hiện đang là chủ nhiệm câu lạc bộ hát Lải Lèn của làng Nội, tâm sự với tôi: “Mẹ chị trước đây cũng vốn là một nàng Lải của đội múa hát Lải Lèn. Tuổi thơ và tâm hồn chị đã lớn lên cùng lời ca, điệu hát ấy. Vì mến câu hát chị đã tham gia thành lập CLB đã được gần 3 năm nay. Tiếng là CLB chứ thực ra là một nhóm những chị em mê hát Lải Lèn mà xúm nhau vào thành lập, rồi tự đóng kinh phí tập tành, múa hát với nhau cho khuây khỏa sau những ngày lao động mệt nhọc, nếu ở đâu mở hội làng được mời biểu diễn thì đi”...

Cũng đắm đuối với câu hát Lải Lèn như già Ngần còn có cụ Các, cụ Biền, chị Tình (trưởng thôn), anh Tuyên, bác Bưởi (Bí thư chi bộ)… Cho dù hôm nay con đường dẫn vào làng Nội còn quanh co khúc khuỷu gập ghềnh, cuộc sống của người dân làng Nội vẫn còn chưa hết khó, thì vượt lên trên tất thảy mọi lo toan và vướng bận, bon chen và vụn vặt đời thường, những người dân làng Nội vẫn một lòng một dạ quyết tâm giữ lấy câu hát Lải Lèn xưa.

Lải Lèn được biết tới là một loại hình múa nhạc rất cổ, cổ ngay từ chính tên gọi. Theo các cụ già thì từ Lải được hiểu là từ dùng để chỉ các cung nữ múa hát chúc rượu cho vua, và Lải Lèn chính là điệu múa của các cung nữ đó với những trình thức, khúc thức rất độc đáo, được kết hợp múa hát liên tục (miệng hát, tay múa và chân dậm theo nhịp điệu lời). 32 làn điệu, mỗi bài là một làn điệu khác nhau và mỗi làn điệu ấy lại nhằm diễn đạt một ý nghĩa riêng nào đó. Hát Lải Lèn không có nhạc kèm theo mà chỉ dùng đôi sênh phách tre gõ theo, lúc trầm, lúc bổng tùy theo lời ca. Đội múa hát Lải Lèn xưa gồm có 12 cô gái tân từ 15-18 tuổi, răng đen hạt đậu, đầu quấn khăn đỏ có thêu kim tuyến, trong mặc áo dài đỏ, quần đen, ngoài khoác áo mã tiên.

Cùng đó sẽ có 8 trai tráng to khỏe, rắn chắc, vạm vỡ đóng giả đi theo hầu vua, mình trần đóng khố, đầu chít khăn, khoanh tay đứng làm hai hàng hai bên thuyền rồng, mặt quay vào điện, đứng suốt ba ngày hành lễ. Trước khi vào tế lễ, các nàng Lải được miễn hoàn toàn việc nông gia, kiêng kỵ chăn nuôi gia súc, gia cầm để giữ cho thân thể sạch sẽ. Sau đó vào các ngày 29, 30, các nàng Lải phải tắm gội bằng thứ nước giếng giữa làng rồi trang điểm để vào hát thờ thần. Múa hát Lải Lèn có lúc diễn tả cảnh đón mừng nhà vua với những nghi thức cung đình; khi thì diễn tả cảnh trận mạc xưa với các điệu bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm hay dân binh bày trận trên sông nước, hoặc là diễn tả cảnh tiễn biệt người đi kẻ ở trong thời chiến tranh. Lồng ghép trong tín ngưỡng thờ thần, các điệu hát Lải Lèn còn gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, đất nước.

Dẫu không phải là một loại hình dân ca phổ biến, cũng không hẳn là một dòng hát chuyên nghiệp, đồng thời cũng không giống với bất cứ một loại hình dân ca nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ luôn mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, thế nhưng câu hát Lải Lèn vẫn không bị pha trộn hoặc mất đi cái riêng có trong sự giao thoa, đan cài giữa các văn hóa vùng miền. Có lẽ chính sự khác lạ đó đã làm nên những giá trị trường tồn.

Chia tay làng Nội, khi bóng chiều dần buông xuống, tôi mang theo nỗi niềm canh cánh về số phận của câu hát Lải Lèn. Trộm nghĩ, nếu như năm, bảy năm nữa múa hát Lải Lèn cũng chỉ còn hoài niệm, chỉ còn trong kí ức thời gian như chưa bao giờ tồn tại thì “nỗi đau của nhân tình” sẽ đau đáu đến nhường nào?

Vũ Minh Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/lai-len-cau-hat-vuot-thoi-gian-tintuc439080