Lại nói về 'trồng người'

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa với những cách tiếp cận khác nhau. Một trong những cách định nghĩa là về mặt thuật ngữ, bắt nguồn từ chữ 'cultus' trong tiếng Latinh mà nghĩa gốc là 'gieo trồng', được dùng theo nghĩa 'cultus agri' là 'gieo trồng ruộng đất' và 'cultus animi' là gieo trồng tinh thần, tức là sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người.

Sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong một buổi học. Ảnh minh họa: TBKTSG.

Hiện nay, nhiều trường treo khẩu hiệu là câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” với ý nghĩa của “trồng người” là giáo dục văn - thể - mỹ trong nhà trường. “Trồng người” là một công việc cao cả và phức tạp. Mục tiêu đầu tiên là dạy kiến thức nhưng một mục tiêu quan trọng không kém bên cạnh đó là dạy làm người. Người ta hay gán cho những người có cách đối xử chưa đúng hoặc làm điều sai quấy là “đồ vô học”, “đồ mất dạy” để nhấn mạnh tầm quan trọng và cũng là trách nhiệm của công tác giáo dục trong việc tạo nên những con người có đầy đủ những phẩm chất mà thời nào cũng cần như yêu nước thương nòi, kính trên nhường dưới, có lòng nhân ái bao dung, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và xã hội... Trên nền tảng căn bản đó, con người sẽ được nâng lên với những phẩm chất cao đẹp hơn như đức hy sinh, tinh thần dũng cảm, óc sáng tạo...

Dạy học xưa nay là công việc của những người thầy. Trong lịch sử nước nhà, có những người thầy được lưu vào sách sử bởi tài năng, đức độ, trách nhiệm và tâm huyết. Thời Trần có Chu Văn An (1292-1370), người được tôn là “vạn thế sư biểu”; thời Lê-Mạc có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), người được coi là “sấm Trình”; thời chúa Trịnh có Lê Quý Đôn (1726-1784), người được coi là “bách khoa toàn thư”; thời chúa Nguyễn có Võ Trường Toản (?-1792), người được vua Gia Long kính trọng như cha, như thầy; thời Nguyễn có Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) với câu nói nổi tiếng: “Thà đui mà giữ đạo nhà”...

Cơ quan đặc trách về giáo dục trong chế độ phong kiến Việt Nam qua nhiều đời là Bộ Lễ, tương đương với các bộ quản lý các lĩnh vực thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục - đào tạo và ngoại giao ngày nay, và mối quan hệ giữa giáo dục với văn hóa và “trồng người” là rất gắn bó. Người đứng đầu Bộ Lễ là Lễ bộ Thượng thư (hay Thượng thư bộ Lễ), tương đương với bộ trưởng các bộ nêu trên. Cái tên Bộ Lễ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Cho đến ngày nay, nhiều trường học vẫn còn khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đây là phương châm giáo dục của người xưa với dạy “lễ” là dạy làm người, trong làm người có đạo đức, tư cách, văn hóa, ứng xử...; dạy “văn” là dạy về kiến thức, kỹ năng. Và xưa cũng như nay, người ta đều xem người được “thành người” là những người trước hết được dạy dỗ chu đáo và thể hiện được mình là người có tư cách, có đạo đức, sau đó mới đến việc có bằng cấp, công danh, thành tựu, địa vị...

Hiện nay, sự xuống cấp đã đặt nền giáo dục nước nhà trước những thử thách hết sức nặng nề. Chưa bao giờ ngành giáo dục lại có nhiều “vấn đề” như hiện nay. Phải chăng đó là hậu quả của một thời gian dài ngành giáo dục chưa xem trọng đúng mức và chưa có những phương thức giáo dục phù hợp để đưa giáo dục thực sự là một hoạt động “trồng người”? Phải chăng công tác dạy “lễ” chưa được đề cao mà cứ chạy theo dạy “văn” với những hiện tượng chạy đua thành tích, chú trọng thi cử hơn là ứng dụng, vận dụng?

Nên chăng cần đặt lại một “bộ lễ” mới để góp phần giải đáp bài toán giáo dục đó? Nên chăng lập Bộ Văn hóa và Giáo dục với chức năng quản lý nhà nước về văn hóa và giáo dục? Điều này sẽ đặt đúng vị trí của giáo dục là giáo dục “lễ” trước, sau đó mới giáo dục “văn”, vốn đã được thực hiện trong quá khứ và phù hợp để khắc phục những thách thức hiện nay. Điều này còn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hợp nhất, sắp xếp lại bộ máy. Hiện trong Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ba lĩnh vực này gần như không có sự gắn bó hay liên hệ trực tiếp với nhau. Xét về mục tiêu và tính chất, hoạt động thể thao nên đặt cùng với y tế thì hơn; hoạt động du lịch thì nên gắn với công thương là phù hợp.

Nguyễn Minh Hải

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275442/lai-noi-ve-trong-nguoi-.html