Lại 'nóng' chuyện doanh nghiệp vận tải bức xúc phí chồng phí

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Hiệp hội Vận tải ôtô tổ chức hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, bến xe. Câu chuyện về phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường một lần nữa lại 'nóng' khi nhiều doanh nghiệp lên tiếng kêu than về tình trạng 'phí chồng phí' hiện nay.

Tại hội nghị, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho hay, hiện nay xuất hiện rất nhiều tuyến đường được đầu tư, cải tạo trên cơ sở tuyến đường cũ do Nhà nước xây dựng từ trước đó nhưng chủ đầu tư lại được phép thu phí BOT giống như tuyến đường mới.

Trong khi đó, tất cả các phương tiện đều đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nhưng khi ra đường lại tiếp tục bị thu thêm phí BOT. Điều này rất bất hợp lý và thiếu công bằng.

Tình trạng “phí chồng phí” đã và đang tạo ra sức ép lớn về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Từ sự bất hợp lý trên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đề nghị Chính phủ xem xét mức thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thu nhập của người dân, doanh nghiệp, mặt bằng giá cước.

Đồng quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét giảm phí BOT tại các dự án BOT hiện nay. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vận tải bớt sức ép tài chính trong hoàn cảnh chi phí vận chuyển đang ở mức cao.

Doanh nghiệp vận tải đề xuất giảm phí BOT để bớt sức ép tài chính.

Ngoài vấn đề phí, một vấn đề khác nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong hội thảo là chủ trương đẩy các bến xe ra xa trung tâm đô thị. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, hầu hết các địa phương đều có chung một quan niệm là muốn đẩy các bến xe ra xa trung tâm trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị.

Quan niệm trên không những không giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị mà còn khiến tình hình trật tự, ATGT và công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng, đặc biệt với vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Vị này phân tích thêm, khi các bến xe ở xa trung tâm, hành khách sẽ phải sử dụng thêm phương tiện để di chuyển đến đó. Điều này sẽ tạo ra sự rối loạn và tăng thêm sức ép cho giao thông. Đó là chưa kể khi bến xe ở xa, người dân sẽ có tâm lý ngại đi xa, họ tìm những kênh khác gần hơn. Khi đó, có cung ắt có cầu, tình trạng xe khách bỏ bến để chạy hợp đồng hoặc xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc sẽ có cơ hội phát triển.

“Nếu tính trong phạm vi cả nước, số tiền hành khách đi xe phải bỏ ra đi từ nơi ở đến bến xe và từ bến xe về nơi ở tại trung tâm thành phố mỗi năm hết nhiều nghìn tỷ đồng. Đây là lãng phí xã hội rất lớn. Chưa kể đến lãng phí do ùn tắc giao thông gây ra còn lớn hơn nhiều” - ông Thanh nhận định.

Về phía VCCI, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn trong vận tải và giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là sự thiếu đồng bộ và chưa sát thực tiễn của những quy định, cơ chế quản lý.

Ông Tuấn cho rằng, nếu muốn các doanh nghiệp tư nhân quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào phát triển giao thông vận tải thì phải chấm dứt tình trạng thiếu đồng bộ và thường xuyên thay đổi của hệ thống pháp luật như hiện nay.

Được biết, tại Dự thảo Luật Giao thông vận tải đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ GTVT xây dựng, lấy ý kiến, có một số quy định đáng lưu ý như chủ xe ôtô sẽ buộc phải có tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, thời gian vừa qua, có ý kiến đề xuất, cần quy định chủ xe phải có tài khoản ngân hàng để thực hiện các trách nhiệm dân sự về xử lý vi phạm giao thông, thu phí tự động...

Vì vậy, nội dung này đã được đưa vào dự thảo để xin ý kiến. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; quản lý chất lượng, khí thải đối với xe môtô; đồng thời xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

Đề xuất yêu cầu chủ xe ôtô phải có tài khoản ngân hàng đã được một số bộ và địa phương đề xuất từ lâu. Tuy nhiên, khi quy định này được luật hóa, chủ xe sẽ buộc phải chấp hành. Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ủng hộ đề xuất trên.

Theo ông Thanh, nên gọi đó là tài khoản giao thông để thực hiện thanh toán, nộp phạt giao thông, kể cả phạt nguội thông qua hình ảnh. Tài khoản này cấp cho chủ xe và có sự liên kết với các tài khoản ngân hàng khác nhau. “Có tài khoản này cũng sẽ giúp hạn chế tiêu cực trong xử lý vi phạm của các lực lượng thực thi nhiệm vụ”, ông Thanh bày tỏ.

Việc xem xét quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải với xe không kinh doanh vận tải xuất phát từ thực tế sử dụng xe cá nhân vào kinh doanh vận tải diễn ra phổ biến thời gian qua, gây ra sự lộn xộn trong hoạt động vận tải và bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải. Dự kiến, quy định này giúp phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân ngay từ khi đăng ký biển kiểm soát.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/lai-nong-chuyen-doanh-nghiep-van-tai-buc-xuc-phi-chong-phi-508707/