Lãi suất 15 - 16%, doanh nghiệp gặp khó

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, lãi suất cho vay hiện nay quá cao. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp sẽ không có 'cửa' để đầu tư, vì vậy cần có lộ trình giảm lãi suất trong 6 tháng tới.

Phải tìm cách tăng cung ứng vốn

Sau gần 2 năm chống chọi với Covid-19, doanh nghiệp du lịch của ông Nguyễn Hồng Đài (Hà Nội) bước vào tái thiết và đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực bù đắp cho một lượng nhân sự cũ đã chuyển việc…

Doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng tới. Nguồn: ITN

Doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng tới. Nguồn: ITN

Tuy vậy, “chúng tôi đang cực kỳ khó khăn”, ông Đài nói. Lý do là lãi suất cho vay tăng cao, “có ngân hàng lên tới 15 - 16%/năm”, trong khi lượng khách du lịch chưa nhiều nên nguồn thu không ổn định. Vì thế, doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư, chỉ duy trì hoạt động cầm chừng để nghe ngóng tình hình. Lãi suất dự báo sẽ khó hạ xuống mức thấp và chúng tôi chưa biết sẽ kéo dài tình hình đến khi nào, ông Đài nén tiếng thở dài.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa xác nhận, cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt về tiếp cận nguồn vốn. Dù Chính phủ đã chỉ đạo phải cung ứng vốn cho nền kinh tế, song các ngân hàng vẫn chưa có giải pháp rõ ràng. “Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp không có "cửa" để đầu tư”, ông Hòa phát biểu.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đau đáu khi nhìn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức kỷ lục, nhưng khu vực nội địa - nguồn nội lực tốt lại gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, khu vực FDI vẫn tăng trưởng tốt. Mấu chốt, theo ông Thiên, bởi cung ứng vốn cho khu vực FDI không thuộc trách nhiệm của khu vực tài chính của Việt Nam mà chủ yếu vốn từ nước ngoài. Vì thế, việc khô cạn về vốn của nền kinh tế không ảnh hưởng đến khu vực FDI.

“Trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cao 15 - 16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, những trói buộc, điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới doanh nghiệp”, ông Thiên đặt vấn đề và cho rằng, điều then chốt là phải tìm cách để tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Nên vạch lộ trình giảm lãi suất

Năm 2023 được dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, tác động trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp. Việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Không những thế, theo ông Trần Đình Thiên, cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có sự phát triển méo mó, gánh nặng đổ dồn về thị trường vốn tín dụng.

“Cần cách tiếp cận rất cơ bản cho hệ thống thị trường này, cũng như cần giải pháp thể chế để cân bằng lại, trong đó đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu phải phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro, san sẻ gánh nặng cho ngân hàng”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý.

Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp đột phá. Ông Thiên cho rằng, về vĩ mô, cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI. “Phải để lãi suất ổn định, nếu quá cao như hiện nay sẽ rất khó”.

Cùng với đó, cần cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định, an toàn; tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp để khuyến khích thị trường phát triển tốt hơn.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Hòa tha thiết mong muốn lãi suất giảm. “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng, cổ đông. Song, nên có sự đồng hành, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Nên vạch lộ trình cụ thể từ nay đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư”, ông Hòa nói.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này, chúng ta đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Muốn vậy, các khu công nghiệp phải đạt chuẩn sinh thái, xanh - bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững, như may mặc. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh từng có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và bị dừng từ 2021 đến nay. Cộng đồng doanh nghiệp mong được nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường..., ông Hòa đề xuất.

Ông Nguyễn Hồng Đài cho rằng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp du lịch hiện rất lớn. Nếu không được hỗ trợ về vốn, sẽ có nhiều doanh nghiệp du lịch đóng cửa, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cùng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ, nhiều doanh nghiệp còn hạn mức tín dụng nhưng không dám vay thêm. Họ chỉ mong ngân hàng giảm lãi suất, không cần tăng hạn mức tín dụng.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ vào những cam kết, hành động cụ thể của phía ngân hàng, qua đó bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/lai-suat-15---16-doanh-nghiep-gap-kho-i315996/