Lãi suất cho vay 5% đã rất gần

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi báo cáo trước Quốc hội vào chiều ngày 8-11, đã cho biết sẽ sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để phấn đấu giảm thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay trong năm 2020, ít nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển.

Lãi suất cho vay Việt Nam đang ở đâu?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong tuần từ ngày 4-11 đến 8-11-2019, mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, gần như không có sự thay đổi so với đầu năm nay.

Là một nền kinh tế đang phát triển, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm khá cao so với các nước khác, dù lạm phát thời gian qua đã ổn định hơn. Nhìn qua các nền kinh tế lân cận tại châu Á, lãi suất cho vay của Philippines là 7,11%, Thái Lan là 6,87%, Singapore chỉ ở mức 5,25%, Hồng Kông 5,13%, Malaysia 4,76%, Hàn Quốc 3,31%, Trung Quốc 3,25%, Đài Loan 2,64% và Nhật Bản là 0,95%.

Lý giải về sự chênh lệch trên, thứ nhất là cầu vốn trong nền kinh tế Việt Nam vẫn rất cao, do tăng trưởng kinh tế hiện tại vẫn phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư, số lượng doanh nghiệp ngày càng gia tăng trong khi nguồn vốn lại có hạn nên luôn cần đến vốn vay ngân hàng.

Đứng ở góc độ các ngân hàng, dù đã tích cực xử lý suốt thời gian qua nhưng “cục máu đông” nợ xấu vẫn là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến các ngân hàng khó lựa chọn giảm lãi suất như kỳ vọng, do phải neo lãi suất cho vay đủ cao để bù đắp những thiệt hại từ các khoản nợ xấu đang tồn tại.

Theo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Đề án), một trong bốn mục tiêu đặt ra là phải kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển (khoảng 5%). Trong ba năm qua, NHNN đã thực thi khá nhiều giải pháp nhưng cũng chỉ mới giúp ổn định mặt bằng lãi suất, còn việc giảm lãi suất cho vay chưa được như kỳ vọng.

Dù vậy, nếu xét ở các lĩnh vực ưu tiên, dường như mục tiêu 5% đang dần trở thành hiện thực. Mới đây, ngày 18-11-2019, NHNN đã ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN, theo đó, giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên theo quy định từ 6,5% xuống 6% từ 19-11-2019, đánh dấu lần điều chỉnh chính thức của cơ quan quản lý kể từ ngày 10-7-2017 đến nay.

NHNN mới đây đã sử dụng liều thuốc “nặng đô” hơn, không chỉ ban hành quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, mà còn quyết định giảm trần lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, với mục tiêu sẽ tác động mạnh hơn đến mặt bằng lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), chủ yếu là nhóm gốc Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank, kể từ sau thời điểm tháng 7-2017, đã có thêm hai lần chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay vào tháng 1-2018 và tháng 8-2019 mà không cần phải có quyết định chính thức của NHNN. Theo đó, mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tại các ngân hàng này chỉ còn 5,5%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trần quy định trước đây và 0,5 điểm phần trăm so với mức trần vừa mới được điều chỉnh.

Như vậy, nếu như các ngân hàng này giảm thêm 0,5 điểm phần trăm theo sau động thái mới nhất của nhà điều hành (thực tế đã có Vietcombank triển khai lãi suất cho vay 5% đối với các lĩnh vực ưu tiên áp dụng cho các khoản vay phát sinh ngay từ ngày 1-11-2019), có thể thấy mục tiêu lãi suất cho vay 5%/năm đã rất gần.

Những yếu tố hỗ trợ

Nhìn vào động thái giảm lãi suất liên tiếp gần đây của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khắp thế giới, từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho đến các ngân hàng trong khu vực, thì động thái giảm thêm lãi suất của NHNN là chính sách phù hợp. Sau động thái giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp của Fed vào cuối tháng 10, chỉ một tuần sau đó NHTƯ Thái Lan đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần giảm thứ 2 chỉ trong vòng chưa đến bốn tháng. Sang ngày 9-11, đến lượt Malaysia giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản xuống 3% để đảm bảo cung ứng đủ thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Các NHTƯ còn lại như Indonesia cũng đã có đến 4 lần cắt giảm lãi suất, Philippines 3 lần và Hàn Quốc là 2 lần.

Hồi giữa tháng 9, NHNN cũng đã giảm 25 điểm phần trăm ở một loạt lãi suất điều hành, tuy nhiên lãi suất cho vay kể từ đó đến nay dường như vẫn không suy suyển, bất chấp lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu chìm sâu, trong khi lãi suất huy động cũng chứng kiến sự điều chỉnh đi xuống ở một số ngân hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, Việt Nam có thể chịu những tác động bất lợi, thì giảm thêm lãi suất là điều cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Chính vì vậy, NHNN mới đây đã sử dụng liều thuốc “nặng đô” hơn, không chỉ ban hành quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, mà còn quyết định giảm trần lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, với mục tiêu sẽ tác động mạnh hơn đến mặt bằng lãi suất thị trường (Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18-11-2019).

Đến thời điểm hiện nay các ngân hàng đã sắp hoàn tất lộ trình tái cơ cấu theo Đề án đặt ra đến thời điểm 2020, những ngân hàng yếu kém cũng phần nào được xử lý xong, do đó mặt bằng lãi suất tiền gửi có điều kiện giảm xuống. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp vừa qua cũng cho rằng vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn.

Việc các ngân hàng tăng mạnh được vốn tự có thời gian qua, từ việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cho đến phát hành trái phiếu dài hạn, giúp nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng bền vững, dài hạn hơn nên cũng không cần quá thu hút vốn từ thị trường dân cư bằng mọi giá. Theo thống kê của NHNN, vốn tự có của toàn ngành đến cuối tháng 8 là hơn 866.000 tỉ đồng, tăng gần 60.000 tỉ đồng, tương đương 7,4% so với cuối năm 2018.

Ngoài ra, định hướng đẩy nhanh lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ giúp các ngân hàng có chi phí vốn rẻ hơn khi tăng được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, tạo điều kiện để có thể giảm thêm lãi suất cho vay. Do lượng vốn này có chi phí rất thấp, phổ biến chỉ từ 0,2-0,5%/năm, do đó giúp các ngân hàng vẫn có lợi nhuận khi cho vay các lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất thấp như trên.

Mới đây, trong dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã đề xuất bổ sung thêm dịch vụ tiền di động (Mobi Money) là dịch vụ trung gian thanh toán. Đây là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu sớm triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Bên cạnh đó, Chính phủ và NHNN cũng đang định hướng chuyển dịch dần nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán, trái phiếu. Thực tế việc trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây cũng đã giúp giảm bớt áp lực lên nguồn vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho lãi suất tại các ngân hàng ổn định.

Thụy Lê

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/297104/lai-suat-cho-vay-5-da-rat-gan.html