Lãi suất cho vay phát sinh mới chỉ còn 9,07%

Lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).

Lãi suất huy động “thủng” mốc 7%/năm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt quá khó khăn, kể từ 15/3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 2 và tháng 5.

Lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022). Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022).

6,1% là con số bình quân. Trên thực tế, sau kỳ giảm lãi suất điều hành lần thứ ba (ngày 24/5), trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã xuống dưới 5%/năm, nhiều ngân hàng “thủng” mốc lãi suất 7%/năm.

Cụ thể, nhóm tứ đại gia ngân hàng đã không còn duy trì lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn dài.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất cao nhất giảm mạnh từ 7,2%/năm xuống chỉ còn 6,8%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng đến 60 tháng. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 5,5%/năm. Dưới 6 tháng, lãi suất là 4,6% năm (kỳ hạn 3 tháng), 4,1%/năm (kỳ hạn 1 và 2 tháng).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng niêm yết mức cao nhất chỉ còn là 6,8%/năm (kỳ hạn từ 12 tháng đến 60 tháng). 5,5%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng. Ở kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng, lãi suất là 4,1%/năm.

Không chỉ ngân hàng quốc doanh, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đẩy mức lãi suất cao nhất xuống dưới 7%/năm như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng), Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng),…

Lãi suất cho vay phát sinh mới chỉ còn 9,07%

Lãi suất huy động giảm là dư địa tốt để giảm lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.

Lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).

Không chỉ giảm lãi suất cho vay với các khoản vay mới, hệ thống ngân hàng đã lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3-0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ 29/5. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.

Thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lai-suat-cho-vay-phat-sinh-moi-chi-con-907-post249580.html