Lãi suất cho vay tăng tốc

Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) chính thức “bật đèn xanh” cho các ngân hàng (NH) tăng lãi suất cho vay thông qua việc cho vay trung dài hạn theo lãi suất thỏa thuận thay vì tăng lãi suất cơ bản.

“Vượt rào” Vừa được NH cho vay 80 triệu đồng cho mục đích kinh doanh vải sợi, ông Long (Q.12, TP.HCM) bức xúc cho biết: “Sau khi kết thúc hợp đồng cũ, tôi vay lại 80 triệu đồng. Số tiền vay trước tôi trả lãi vay là 0,875%/tháng nhưng số tiền vay sau lãi suất lên 1%/tháng. Chuyện tăng lãi suất vay không bực mình bằng việc NH thu phí tổng cộng 1,26 triệu đồng. NH còn yêu cầu tôi mở một tài khoản và để trong tài khoản này tiền gốc và lãi 2 tháng đầu. Tôi vay số tiền ít đã vậy, những khoản vay lớn sẽ như thế nào. Từ 5 - 6 năm nay, tôi vay tiền NH nhưng chưa bao giờ gặp phải tình cảnh như thế này”. Trưởng phòng giao dịch của một NH cổ phần tiết lộ, do bị đụng trần lãi suất cho vay tối đa không vượt 12%/năm nên các NH thực hiện thu phí kèm theo. Đối với doanh nghiệp vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng là 12%/năm nhưng NH sẽ thu thêm các loại phí khác ở mức 6% một lần duy nhất. Còn đối với cá nhân, lãi suất cho vay đã được thỏa thuận nhưng để có mức lãi suất “cạnh tranh”, một số NH cũng để ở mức 14 - 15%/năm nhưng bên cạnh đó lại thu phí khoảng 2 - 3%. Quyết định của NHNN về việc cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn đã tiếp tay "hợp pháp hóa” việc lách luật qua hình thức phí của các NH lâu nay. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần thú nhận: Công ty con của ngân hàng vẫn thực hiện thu phí đối với các khoản vay nhưng vừa làm vừa "run" vì nếu bị “tố” thì Thanh tra NHNN sẽ vào cuộc, lúc đó NH cũng bị phiền. Nếu xảy ra trường hợp bị thanh tra, các NH sẽ không triển khai cho vay được bởi chi phí huy động thực tế hiện nay đang ở mức cao. Có NH huy động 100 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 10,49%/năm và còn tặng thêm khoản tiền mặt cho người gửi tiền là 900.000 đồng. Do đó lãi suất thực tế mà NH này trả cho khách hàng gửi tiền lên trên 14%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay trần không quá 12%/năm chắc chắn NH lỗ, đó là chưa kể đến các chi phí hoạt động của NH. Vì vậy, việc được thỏa thuận lãi suất cho vay khiến NH có thể thực hiện tất cả các việc trên một cách công khai. Áp lực lãi suất cho doanh nghiệp Cách đây vài ngày, nhiều dự báo của các tổ chức đưa ra là NHNN sẽ tăng lãi suất cơ bản bởi lãi suất cho vay và cả huy động hiện nay đang phản ánh chưa đúng thực tế. Thế nhưng sau quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8%/năm, NHNN cho phép lãi suất cho vay trung dài hạn thỏa thuận đã vô hiệu mức lãi suất cho vay trần 12%/năm. Dự báo về mức lãi suất cho vay tiền đồng sắp tới sẽ ở mức nào, Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết các NH hiện nay đang “nhìn nhau” xem tình hình thị trường sẽ như thế nào. Lãi suất cho vay nếu ở mức 18%/năm hoặc trên nữa sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn bởi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào kinh doanh đều có mức sinh lời trên 18%/năm. Mức lãi suất cho vay cao như vậy khiến các doanh nghiệp ngại không vay nữa, còn nếu có doanh nghiệp vay thì chỉ có 2 đối tượng: một là doanh nghiệp đó làm ăn có lời “khủng” hoặc doanh nghiệp đó đang “sắp chết”. Chính vì vậy mà các NH sẽ có sự chọn lọc khách hàng chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Mở TP.HCM, nhận xét việc cho thỏa thuận lãi suất cho vay trung và dài hạn chẳng qua là hợp thức việc các NH thu phí khi không được cho vay vượt trần. Tuy nhiên, việc này đang tạo ra sự không công bằng, đó là lãi suất huy động vẫn có trần 10,5%/năm. Người vay thì trả lãi suất cao từ 15 - 17%/năm, còn người gửi tiền thì chỉ có mức lãi suất 10,5%/năm. Như thế lãi suất cho vay cao, lãi suất huy động vẫn thấp. Với mức lãi suất huy động thấp, liệu vốn có đổ vào NH hay không? Với mức lãi suất cho vay 15 - 17%/năm, doanh nghiệp khó mà chịu đựng nổi, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Áp lực lãi suất vay cao đang đẩy về phía các doanh nghiệp. Trong năm 2009, mức lãi suất cho vay ở mức 10,5%/năm và doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất 4%/năm nên lãi suất vay thấp. Sang năm 2010, chính sách hỗ trợ lãi suất không còn, cộng thêm doanh nghiệp phải trả lãi suất cao hơn trước, tình hình kinh doanh khó khăn... Tất cả những yếu tố đó khiến doanh nghiệp khó có tỷ suất lợi nhuận cao. Mặt khác với lãi suất cho vay cao, các NH cũng ngại vì không có đầu ra hoặc có thì doanh nghiệp vay cũng khó. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận cho rằng: “Cần phải giám sát lãi suất cho vay thỏa thuận như thế nào, đừng để gây áp lực quá lớn đối với doanh nghiệp. Nếu không, doanh nghiệp sẽ chết”. Thanh Xuân

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201009/20100228233541.aspx