Lãi suất giảm không quan trọng bằng doanh nghiệp có tiếp cận được vốn không!

Để gỡ khó khăn tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trước mắt phải kéo giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10%. Tuy nhiên, lãi suất giảm bao nhiêu, ở đâu, lĩnh vực nào không quan trọng bằng việc doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn đó hay không.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách TRẦN VĂN LÂM:
Làm không đủ trả lãi thì không doanh nghiệp nào vay cả!

Trong điều hành tiền tệ vừa rồi, lãi suất lên cao quá khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Nếu doanh nghiệp làm không đủ trả lãi ngân hàng thì không ai đi vay cả.

Với một nền kinh tế, lãi suất cao thường gắn với các chỉ số vĩ mô kém ổn định, đặc biệt là lạm phát. Lạm phát cao, lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cũng tăng lên. Vì vậy phải kiểm soát được lạm phát và dẫn dắt để lãi suất huy động ở mức hợp lý, đồng thời điều chỉnh được chênh lệch giữa huy động và cho vay mới có cơ sở hạ lãi suất cho vay. Đây là bài toán ngành ngân hàng cần giải quyết từ vĩ mô tới vi mô. Vĩ mô từ các chính sách, biện pháp ổn định lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ; vi mô là mỗi ngân hàng làm sao tiết kiệm chi phí để hạ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Ở đây, sức mạnh điều hành và dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố quyết định.

Trong điều kiện kinh tế hiện nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Một số doanh nghiệp từ khó khăn thị trường, khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn tới khoản vay trước đây có thể trở thành nợ xấu và không tiếp cận được vốn. Lúc này cần có sự linh hoạt trong điều hành. Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, thực hiện các biện pháp giãn, hoãn… để một số doanh nghiệp khó khăn nhưng có nhu cầu vốn thật sự có thêm điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn cấp vốn và tiếp cận được nguồn vốn.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề xuất không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Hiện nay chúng ta chặt chẽ hơn trong cấp tín dụng với phân khúc cao cấp nhưng vẫn phải có chính sách hỗ trợ cho những phân khúc người dân đang có nhu cầu thực là nhà ở xã hội và giá rẻ.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh TRỊNH XUÂN AN:
Doanh nghiệp tiếp cận được vốn, sử dụng hiệu quả mới quan trọng

Nhiều đại biểu Quốc hội và cá nhân tôi cho rằng, một trong những điểm nghẽn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nền kinh tế hiện nay là tín dụng doanh nghiệp. Lãi suất đang ở giai đoạn rất cao, đôi khi Thủ tướng và Chính phủ phải dùng mệnh lệnh hành chính, yêu cầu giảm lãi suất huy động đồng thời kéo giảm lãi suất cho vay xuống. Tuy nhiên, việc giảm bao nhiêu, ở đâu, lĩnh vực nào không quan trọng bằng việc doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn đó hay không. Nếu chúng ta giảm lãi suất mà doanh nghiệp không tiếp cận được dẫn đến không đủ nguồn lực cho doanh nghiệp thì tôi cho rằng đó vẫn là điểm nghẽn.

Các doanh nghiệp bây giờ không chỉ mất đơn hàng mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia trong cùng điều kiện. Nếu lãi suất thấp thì các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các nước khác. Do đó, vai trò của ngành ngân hàng, vai trò tín dụng đối với doanh nghiệp cần phải tích cực hơn nữa. Đặc biệt, điều kiện để tiếp cận nguồn vốn phải tính toán trong giai đoạn hiện nay, bởi nếu dùng những điều kiện và tiêu chí cho vay như thông thường thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Tôi cho rằng, doanh nghiệp tiếp cận được vốn, sử dụng hiệu quả đồng vốn đó mới là quan trọng, nên giảm lãi suất với lĩnh vực nào, ngành nào thì ngân hàng phải tính toán.

Trước mắt, theo tôi phải tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10%. Như đã nói, doanh nghiệp phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ở mức hai con số là rất khó chấp nhận và các doanh nghiệp sẽ không mặn mà. Điều này khiến doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh trong nội địa với nhau chứ chưa nói với doanh nghiệp nước ngoài.

Về bất động sản - đây là một ngành tổng hợp và tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội, việc làm, chứ không chỉ với đất đai, nhà cửa. Do đó, theo tôi phải đối xử với bất động sản một cách công bằng, công khai, chỗ nào có tính rủi ro cao phải xử lý và đặc biệt nguồn vốn tín dụng phải hỗ trợ đúng hướng, đúng phân khúc. Kể cả phân khúc cao cấp - nếu có thị trường tốt, có đầu ra thì cũng nên tiếp tục hỗ trợ và phải tháo gỡ về pháp lý, thủ tục; đồng thời phải hài hòa phân khúc trung bình để bất động sản có điều kiện phát triển và kéo các ngành khác phát triển.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội):
Ngân hàng phải thay đổi phương thức kiểm soát cho vay

Ngân hàng Nhà nước vừa qua có những chỉ đạo rất quyết liệt. Nếu các ngân hàng thương mại không thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý bằng việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng. Theo tôi, đó là cách quản lý khá hợp lý, không mang tính chất hành chính mà mang tính chất thúc đẩy thị trường. Ngân hàng nào làm tốt, đưa ra được lãi suất ưu đãi thì sẽ được quyền tăng trưởng nhiều hơn để mang lại dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Theo tôi, các ngân hàng phải thay đổi phương thức kiểm soát cho vay. Quan điểm doanh nghiệp phải sẵn sàng tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp… để nếu xảy ra rủi ro, ngân hàng có thể xử lý và thu hồi vốn không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Bởi rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn nhiều năm. Tài sản bảo đảm họ đã thế chấp cho những khoản vay cũ, không còn để thế chấp cho khoản vay mới. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có những dự án mới rất khả thi, hiệu quả thì ngân hàng nên chuyển sang hướng cho vay kiểm soát dòng tiền. Các ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp, từ khi bắt đầu chuyển tiền cho vay đến kiểm soát dòng tiền đi đâu, vật tư hàng hóa được mua thế nào, sản xuất ra sao và khi bán hàng dòng tiền sẽ quay trở lại ngay ngân hàng.

Có được phương thức kiểm soát dòng tiền như thế sẽ không nhất thiết phải đòi hỏi doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp và chỉ cần nhìn những dự án tốt, những dự án khả thi là ngân hàng có thể cấp được tín dụng. Ngân hàng phải làm được chuyện đó mới gỡ được khó khăn hiện nay. Nếu ngân hàng chỉ ngồi tại chỗ, các doanh nghiệp mang “các thứ” đến thì vai trò hỗ trợ của ngân hàng không còn nữa.

Hiện nay, tăng trưởng tín dụng quá thấp và chưa chạm đến trần của room tín dụng. Lý do là khả năng hấp thụ vốn doanh nghiệp chưa cao và ngân hàng có dám cho vay với doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm, nợ cũ nhiều nhưng có dự án mới khả thi. Lúc này cần sự “gặp nhau” giữa người cung vốn và người cần vốn để đưa nguồn vốn ra thông suốt và an toàn, hiệu quả.

Vũ Quang - Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/lai-suat-giam-khong-quan-trong-bang-doanh-nghiep-co-tiep-can-duoc-von-khong--i330727/