Lại thêm một tuyến cáp quang biển gặp sự cố

Từ ngày 13/12, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố trên hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc).

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết, từ ngày 13/12, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố trên hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc). Đây là 1 trong 5 tuyến cáp chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

“Hiện nguyên nhân sự cố trên cáp biển APG vẫn chưa được xác định. Sự cố này ảnh hưởng tương đối lớn đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến, với lưu lượng các nhà mạng bị mất do ảnh hưởng sự cố này ước tính khoảng 1TB”, đại diện ISP cho hay.

 Chưa sửa xong cáp quang biển AAG lại thêm tuyến cáp APG gặp sự cố. Ảnh minh họa

Chưa sửa xong cáp quang biển AAG lại thêm tuyến cáp APG gặp sự cố. Ảnh minh họa

Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Điều đáng nói là tuyến cáp biển APG vừa khắc phục xong sự cố xảy ra cuối tháng 10 trên phân đoạn S3 vào ngày 27/11. Như vậy, chỉ sau hơn nửa tháng khắc phục xong sự cố (hôm 29-11), tuyến cáp quang biển APG lại gặp sự cố. Đáng chú ý, hiện tại cùng với cáp quang biển APG, cáp quang biển Asia America Gateway (AAG) cũng đang gặp sự cố, chưa khôi phục kết nối trên tuyến.

Được biết, trung bình trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 10 sự cố liên quan đến các tuyến cáp quang biển Việt Nam. Thời gian khắc phục trung bình của mỗi sự cố kéo dài khoảng 1 tháng.

Điều này dẫn đến tình trạng, các nhà mạng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 3/4 tuyến cáp chính. Đây là một thách thức với các nhà mạng, khiến các doanh nghiệp viễn thông luôn phải dự phòng từ 20-25% dung lượng kết nối để đảm bảo trong trường hợp sự cố đứt cáp xảy ra. Thực tế đó đã gây ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như quá trình vận hành, khai thác của các nhà mạng để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người dùng.

Chính vì thế, trong bối cảnh cùng lúc có 2 tuyến cáp biển gặp sự cố, các nhà mạng cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ kết nối Internet đi quốc tế cho khách hàng. Dẫu vậy, do đã quen với các tình huống cáp biển gặp sự cố, ngay sau khi nhận được thông tin, các nhà mạng đều chuyển hướng lưu lượng sang các tuyến cáp biển khác như IA, AAE-1, SMW-3 và các hướng cáp đất liền.

Theo báo cáo tháng 8/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khi so sánh với 12 quốc gia có điều kiện tương đồng, kết nối Internet của Việt Nam thuộc nhóm cần phải cải thiện chất lượng và tốc độ nếu muốn thành công trong nền kinh tế số.

Điều này đặt trong bối cảnh, theo dự báo của nhiều doanh nghiệp quốc tế như Huawei, Cisco, nhu cầu kết nối Internet quốc tế được dự báo sẽ gia tăng với tốc độ 25%/, thậm chí 50%/năm. Do vậy, đến năm 2030, Việt Nam cần mở rộng khả năng kết nối quốc tế gấp 10 lần hiện tại. Nhu cầu này còn có thể lên gấp 40 lần nếu tính theo những dự báo tăng trưởng khả quan.

Hoài Thương (T/h)

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/lai-them-mot-tuyen-cap-quang-bien-gap-su-co-d195271.html