Lãi tiền gửi 'khủng' giúp Hóa chất Đức Giang vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023

Nếu không tính năm 2022 với sự đột biến nhu cầu trên thế giới, 2023 là năm kinh doanh khá thành công của Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) khi lợi nhuận đứng thứ 2 trong lịch sử hoạt động. Đáng chú ý, lợi nhuận công ty còn được hỗ trợ từ nguồn tiền gửi ngân hàng gần 10.000 tỷ đồng.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023, DGC đạt gần 2.400 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 23%. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp còn 784 tỷ đồng, giảm 39%.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều giảm mạnh, lần lượt còn 36 tỷ đồng (giảm 53%) và 95 tỷ đồng (39%). Sau cùng, DGC lãi ròng 746 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 30%, là quý thứ 3 liên tiếp DGC báo lãi giảm.

Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu gần 9.750 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước. Tổng các chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, số lãi tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn của DGC trong năm 2023 lên tới gần 630 tỷ đồng, gần bằng lợi nhuận sau thuế của đơn vị này trong quý IV/2023.

Tuy nhiên, do mức giảm của doanh thu lớn hơn mức giảm của chi phí nên lợi nhuận năm 2023 giảm 46%, xuống còn 3.250 tỷ đồng. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2023 thông qua, doanh nghiệp này đã thực hiện được 88% mục tiêu doanh thu và vượt 8% kế hoạch lãi sau thuế năm.

Chứng khoán VNDirect nhận định Hóa chất Đức Giang có thể tự đáp ứng 80% nhu cầu apatit và có thể quản lý lợi nhuận khi giá phốt pho vàng (P4) biến động.

Sau khi mua lại CTCP Phosphor 6, DGC nâng công suất P4 thêm 9.800 tấn/năm (tăng 16,3%, chiếm 50% công suất cả nước). Năm 2024, VNDirect dự phóng sản lượng P4 sẽ tăng 22% so với cùng kỳ và sản lượng bán sẽ tăng 30% nhờ hưởng lợi từ xu hướng công nghệ toàn cầu.

VNDirect dự phóng doanh thu thuần năm 2024 của DGC giảm tăng 30% so với cùng kỳ; lãi ròng sẽ tăng 31,2% dựa trên giả định sản lượng bán cao hơn và giá bán trung bình đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Theo DGC, kết quả 2023 sụt giảm do doanh thu các sản phẩm chính đi xuống, như phốt pho vàng và HPO4 giảm 38%; WPA giảm 28%, phân bón các loại giảm 12%. Mức giảm này đến từ việc thị trường trong nước và thế giới thấp hơn so với cùng kỳ.

Xét về bối cảnh chung, năm 2022 là thời điểm ngành hóa chất nói chung và DGC nói riêng thu lãi cao đột biến nhờ hưởng lợi từ cơn sốt giá hàng hóa toàn cầu, liên tiếp đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng mỗi quý. Kết quả kinh doanh tuy giảm khá sâu so với năm ngoái, nhưng 2023 là năm DGC có lợi nhuận cao thứ 2 lịch sử của doanh nghiệp.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm cuối năm 2023, Hóa chất Đức Giang có tổng tài sản gần 15.500 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2022. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn với hơn 10.400 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng sau một quý và tăng 1.400 so với thời điểm đầu năm. Trong năm 2023, DGC đã nhận về gần 630 tỷ đồng lãi tiền gửi, gấp đôi so với năm 2022. Ngược lại, chi phí lãi vay chỉ ở mức 32 tỷ đồng.

Hàng tồn kho còn 855 tỷ đồng, giảm 14%. Doanh nghiệp còn 225 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu nằm ở dự án Nghi Sơn (134 tỷ đồng), dự án Đắk Nông (35 tỷ đồng), và các công trình xây dựng của Đức Giang Lào Cai (39 tỷ đồng).

Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn tăng 36% lên gần 3.500 tỷ đồng, chiếm hầu như là các khoản nợ phải trả. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ghi nhận 1.300 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 5.900 tỷ đồng, hơn đầu năm 16%.

Diễn biến gần nhất, DGC vừa thông báo chốt quyền đăng ký tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/2/2024. Thời gian dự kiến tổ chức vào 8h30 ngày 29/3 tới đây.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/lai-tien-gui-khung-giup-hoa-chat-duc-giang-vuot-chi-tieu-loi-nhuan-nam-2023.html