Lái xe BMW gây tai nạn liên hoàn có bị xử lý hình sự?

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, tối 21-10 tại vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP HCM đã xảy ra vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Một người phụ nữ điều khiển xe ô tô BMW đã đâm vào nhiều xe máy và xe taxi khiến 1 người chết và nhiều người khác bị thương.

Sau vụ tai nạn này, nhiều người dân đặt câu hỏi, hành vi của người phụ nữ trên sẽ bị xử lý ra sao, ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người và tài sản trong vụ tai nạn?

Theo thông tin ban đầu, người gây tai nạn là bà Nguyễn Thị Nga, SN 1972, ở quận 12, TP.HCM. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, bà Nga có nồng độ cồn 0,94 mg/1 lít khí thở. Hiện CAQ Bình Thạnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, hành vi lái xe khi đã uống rượu bia với nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là vi phạm quy định định hiện hành. Do đó cá nhân vi phạm có thề bị xử phạt hành chính Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể là:

Trong máu hoặc hơi thở người lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở: Phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Hiện trường vụ tai nạn tại vòng xoay Hàng Xanh, TP.HCM

Trong máu hoặc hơi thở người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở: Phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Trong máu hoặc hơi thở người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ: Phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng.

Về trách nhiệm dân sự, BLDS 2015 quy định, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, người gây tai nạn phải bồi thường cho các bị hại khi họ có đơn yêu cầu với các chi phí về hư hại tài sản, điều trị sức khỏe, chi phí mai táng người thiệt mạng, tổn thất tinh thần….

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, lái xe gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000-dưới 1,5 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Căn cứ kết luận trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tích của các bị hại, lái xe gây tai nạn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tương ứng.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/lai-xe-bmw-gay-tai-nan-lien-hoan-co-bi-xu-ly-hinh-su/787335.antd