Lái xe có quyền từ chối vận chuyển hành khách có hành vi gây rối?

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Thông tư quy định, hướng dẫn về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô; quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Dự thảo Thông tư có nhiều quy định mới như quy định về lắp camera. Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình để đảm bảo quan sát được toàn bộ khoang lái, khoang hành khách và các cửa lên xuống của xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, nâng cấp, bảo trì trang thiết bị phần cứng, phần mềm, đường truyền dữ liệu hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin để tiếp nhận, lưu trữ và khai thác sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe theo quy định xong trước ngày 1-7- 2021. Đơn vị kinh doanh vận tải phải đầu tư, bảo trì thiết bị phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu, đường truyền dữ liệu phải đảm bảo kết nối, truyền dữ liệu và tương thích với phần mềm tiếp nhận dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bến xe Nước ngầm. (Nguồn ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Bến xe Nước ngầm. (Nguồn ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của camera lắp trên xe ô tô.

Đồng thời, đơn vị kinh doanh vận tải phải niêm yết ở trong xe: biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số ĐTDĐ đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở GTVT nơi cấp phù hiệu. Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện dòng chữ “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định.

Với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm; hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 2 tuyến vận tải hành khách cố định.

Dự thảo nêu rõ, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định phải đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu của DN, HTX đã trang bị; đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, các điểm đón, trả khách và chạy đúng hành trình.

Đồng thời, không chở quá số người được phép chở và không vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa là thực phẩm bẩn.

Khi nhận hàng hóa gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng.

Lái xe có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động…

Hành khách đi xe được yêu cầu DN, HTX cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã đăng ký và niêm yết; khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lai-xe-co-quyen-tu-choi-van-chuyen-hanh-khach-co-hanh-vi-gay-roi-180038.html