Làm bánh khô, dân Đông Bình thu 'tiền tươi'

Gần đây, sản phẩm bánh tráng ở Phú Yên đã chính thức có nhãn hiệu. Đóng góp vào thành công đó, phải kể tới sự góp sức không nhỏ của làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa).

Giữa tháng 10, ở làng nghề bánh tráng Đông Bình hàng trăm lao động đang hối hả làm bánh, phơi những vỉ bánh tráng dưới trời nắng gắt để kịp bán cho khách hàng.

Chị Lê Thị Nở, 40 tuổi, quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, tâm sự: “Từ nhỏ tui đã làm nghề này vì đây cũng là nghề truyền thống của gia đình. Hiện mỗi ngày chúng tôi sản xuất khoảng 1.500 cái bánh, mùa tết thì nhiều hơn, khoảng 2.000-3.000 cái/ngày nhưng cũng không đủ bán”.

Gắn bó với nghề bánh tráng, nhiều hộ dân Đông Bình có thu nhập ổn định. Ảnh: H.T

“Nghề này làm giàu thì khó, nhưng lúc nào cũng có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vào. Trung bình mỗi ngày người làng nghề cũng kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng” - chị Nở chia sẻ.

Được biết, thôn Đông Bình có hơn 600 hộ dân, trong đó có 120 hộ sản xuất bánh tráng, thu hút gần 500 lao động. Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh, bánh tráng Đông Bình còn tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi khác như: Nha Trang, Gia Lai, Bình Định...

Năm 2008, Hiệp hội bánh tráng Đông Bình được thành lập theo Quyết định số 2161 của UBND tỉnh nhằm liên kết các hộ sản xuất bánh tráng, phát huy vai trò kinh tế tập thể, hỗ trợ các thành viên tiếp cận thông tin thị trường, thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Phạm Thành Trắc - Chủ tịch Hội Làng nghề bánh tráng Đông Bình đồng thời là chủ cơ sở sản xuất Thành Trắc cho biết: Nhãn hiệu “Bánh tráng Đông Bình” đã được cấp chứng nhận và giao Hiệp hội Làng nghề Đông Bình quản lý, sử dụng. Hiện, Nhà nước cũng đã có quy hoạch khu sản xuất riêng cho bánh tráng Đông Bình với diện tích 7ha, vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

Hà Trang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/lam-banh-kho-dan-dong-binh-thu-tien-tuoi-924596.html