Làm báo điện tử: Những lỗi lầm "khó tha thứ"

Tòa soạn nào cũng muốn tờ báo của mình có vị thế tốt trong làng báo với lượng truy cập cao và đem về lợi nhuận lớn. Nhưng, không ít tờ báo điện tử đã và đang mắc phải những lỗi lầm "khó mà tha thứ được".

“Đánh cắp” và xào xáo nội dung của tờ báo khác

Nói một cách đơn giản, trộm cắp chưa bao giờ là một hành vi tử tế, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy. Trong báo chí, hành vi đánh cắp và xào xáo bài vở của tờ báo khác là một trong những hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, tác quyền cũng như vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Không "thuổng" hoặc "mượn" bài của đồng nghiệp

Muốn cho ra đời những ấn phẩm tử tế, người cầm bút và nhà xuất bản phải nhớ rằng họ cần phải làm người tử tế trước đã. Nghĩa là chúng ta phải lao động thực sự để tạo ra sản phẩm của riêng mình và tôn trọng tác quyền của đồng nghiệp. Nếu không, những sản phẩm của “kẻ cắp” thì sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt và đào thải.

Bất chấp đạo đức báo chí

Đưa tin phiến diện, phóng đại nội dung, làm thay đổi sắc thái câu chuyện, lạm dụng các chủ đề phi báo chí để câu kéo độc giả là những hành vi sẽ giết chết hình ảnh và vị thế của một tờ báo một cách nhanh chóng nhất.

Báo chí phải có tính khách quan, trung thực và nhân văn

Mấy năm trước, việc thu hút lưu lượng truy cập gần như là con đường duy nhất để tồn tại (nhờ tiền quảng cáo) đã khiến nhiều tờ báo phải “bán linh hồn cho quỷ dữ”, bất chấp đạo đức báo chí để sinh tồn. Bằng cách này, thậm chí một số tòa soạn điện tử còn đạt được "thành công rực rỡ”.

Nhưng giờ đây, câu chuyện đã khác. Ý thức của người đọc đã có nhiều thay đổi, đến mức giờ đây, độc giả ngày càng sẵn sàng "móc hầu bao" để mua báo điện tử, miễn sao nó đủ tốt. Điều này sẽ giúp các tờ báo có danh tiếng sẽ sống khỏe và sống “ngẩng cao đầu” dù lượng người đọc có thấp hơn so với báo “lá cải”.

Financial Times, New York Times, Washington Post... và hàng loạt những cái tên báo điện tử trả tiền khác đang là minh chứng hùng hồn cho xu thế này.

Và các tờ báo “có vết đen” sẽ dần mất đi vị trí thống lĩnh cũng như cả nguồn thu của mình, cho dù vẫn đang có lưu lượng truy cập cao. Bởi lẽ, không chỉ có báo chí thay đổi mà các hình thức, phương pháp quảng cáo cũng đang thay đổi.

Những phương thức mới như truyền thông thương hiệu, báo chí thương hiệu sẽ làm ngành quảng cáo phát triển theo hướng “tinh hoa” và khéo léo hơn. Theo đó, các thương hiệu sẽ đòi hỏi một nền tảng báo chí đàng hoàng, tử tế và có nội dung chất lượng hơn để triển khai các chiến lược quảng cáo đến đúng đối tượng mục tiêu của mình.

Nói một cách ngắn gọn, báo “bình dân”, người đọc có trình độ thấp sẽ tất có mức giá quảng cáo “bọt bèo”, cho dù lượng truy cập có cao hơn đi chăng nữa.

SEO quá đà

SEO là biện pháp giúp nhà xuất bản đưa các ấn phẩm điện của mình đến gần với bạn đọc hơn thông qua việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Trong thời đại Google, SEO là một trong các yếu tố cực kỳ quan trọng giúp tờ báo có thể trụ ở thứ hạng cao, mang về lượng truy cập lớn.

Đừng SEO quá đà

SEO là tốt nhưng SEO quá đà lại là một thảm họa. Bất cứ trang tin báo nào muốn được ghi nhận là một ấn phẩm tử tế thì trước tiên phải có nội dung tử tế, tôn chỉ và mục đích báo chí rõ ràng.

Nếu nhà xuất bản có tư tưởng “ăn xổi”, sẵn sàng chạy theo bất cứ nội dung, từ khóa đang “hot” nào đó chỉ để nhằm mục đích tăng lượng truy cập, đó không được coi là một ấn phẩm đàng hoàng.

Trong giới xuất bản điện tử thế giới, Gawker là một cái tên rất nổi, nhưng không phải vì danh tiếng mà vì tai tiếng. Việc lợi dụng đủ mọi nội dung từ khiêu dâm, chuyện giật gân cho đến cả những chuyện… trong toilet nhà các ngôi sao để thu hút người đọc đã khiến Gawker được ví von như một “quả bom thối” nhờ làm SEO và “mặt dầy”.

Lạm dụng quảng cáo dạng video và pop-up

Quảng cáo quá đà là một trong những yếu tố khiến cho ấn phẩm điện tử bị "mất chất" thê thảm trong mắt bạn đọc. Trong đó, quảng cáo bằng video và pop-up (quảng cáo xổ hình ảnh ra màn hình khi rê chuột qua) là hai dạng quảng cáo dễ khiến người xem nổi đóa nhất, dù có thể, nó giúp nhà xuất bản thu về nhiều tiền hơn so với những loại hình quảng cáo khác.

Đừng khiến độc giả phát điên vì quảng cáo pop-up

Các nhà xuất bản hãy đặt vị trí mình vào vai người đọc, hãy nhớ rằng mục đích của người đọc khi bấm vào một link bất kỳ là để đọc tin chứ không phải để xem quảng cáo. Đừng khiến họ phát điên vì những video dạng bật tự động khi vào trang hay những hình pop-up đặt ở những vị trí dễ lỡ tay rê chuột qua khi đọc tin.

Lời khuyên cho các nhà xuất bản trong trường hợp này là đừng dại đột đánh mất độc giả của mình chỉ vì vài đồng quảng cáo hiện tại. Hãy nên nhớ, tư duy “bóc ngắn cắn dài” chưa bao giờ là tư duy của người khôn ngoan và biết thời thế.

Lê Hương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/lam-bao-dien-tu-nhung-loi-lam-kho-tha-thu-post126998.info