Làm biên tập viên, dễ hay khó?

Hai câu chuyện cách xa nhau gần 20 năm nhưng chungmột bản chất và sẽ còn lâu thật lâu nữa mới cũ.

Nhà báo tác nghiệp tại sông Tiền, năm 2013. Ảnh: PV

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho người làm báo chí truyền thông có thể ngồi một chỗ mà vẫn có thể cập nhật nhiều thông tin mới, nhanh và thời sự. Và vì thế, chuyện làm báo salon hay tháp ngà càng dễ phổ biến dưới nhiều hình thức.

Chuyện cũ

Trong cuộc đời làm báo tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm nghề nghiệp. Một trong những kỷ niệm đó là với một em đồng nghiệp (tôi không còn nhớ tên) vì em ấy chỉ làm chung chừng vài tháng.

Ấy là khoảng đầu những năm 2000, em được tuyển vào vị trí phóng viên biên tập. Phóng viên biên tập là cách một số đài truyền hình gọi để phân biệt với một chức danh phóng viên khác cũng rất quan trọng, đó là phóng viên quay phim. Thời gian thử thách chưa qua, một trưa nọ, em ngồi than với một nhóm đồng nghiệp, trong đó có tôi. Em nói “khi xin vào Đài, cứ nghĩ làm biên tập là sửa bài của phóng viên, cộng tác viên gửi về, chứ không nghĩ là phải đi nhiều như thế này. Đi cực quá, chịu không nổi, chắc xin làm biên tập ở nhà thôi!”.

Tôi lúc ấy đã qua gần 10 năm làm nghề, vừa được phân công vào vị trí trực bản tin thời sự, nghe em nói thế thì rất choáng. Tôi bảo với em là, công việc “sửa bài của người ta” mà em nói đó, có thể sẽ đến với em đâu đó 7 đến 10 năm nữa, chứ còn cơ quan báo chí tuyển các em vào là để các em đi thực tế viết bài, ai cũng thích sửa bài người khác thì lấy đâu ra bài mà sửa. Quan trọng hơn nữa là hiện tại em đã có đủ kinh nghiệm, kiến thức để có thể biên tập bài cho người khác? Nếu thích ngồi một chỗ thì tốt nhất nên xin làm văn phòng cho một cơ quan hành chính nào đó, là ổn nhất. Sau đó, em xin về làm cán bộ văn phòng ở huyện, đúng với nguyện vọng của em. Chẳng biết em có khi nào thấy giận lời thẳng thắn của tôi không, nhưng riêng tôi, tôi thấy thế tốt cho em, tốt cho Đài.

Chuyện mới

Mới đây, tôi tham gia giảng dạy một lớp dành cho các cán bộ làm công tác truyền thông ở các cổng thông tin điện tử các ban ngành trong địa phương về bồi dưỡng kỹ năng viết và biên tập tin bài cho một Sở Thông tin Truyền thông. Một trong những kỹ năng mà tôi buộc các học viên phải thực hành rất nhiều trong suốt mấy ngày học, đó là kỹ năng tìm chi tiết. Khá nhiều học viên thích thú khi được hướng dẫn cách khai thác các lớp chi tiết, lớp thông tin khác nhau về một sự kiện để có thể cho ra đời những sản phẩm báo chí truyền thông có độ sâu thông tin khác nhau và có các góc tiếp cận khác nhau.

Tìm chi tiết luôn là kỹ năng rất cần thiết của một biên tập viên. Ảnh minh họa

Khi khai thác chi tiết thì mỗi học viên đều buộc phải sử dụng các kỹ năng cơ bản là quan sát (ghi chép), đọc tài liệu (tổng hợp), phỏng vấn (trích dẫn)... để có chất liệu cho sản phẩm.

Sau khi kết thúc lớp học, một vài học viên đã phản hồi rằng họ chỉ muốn học làm “biên tập” chứ không phải học để tìm chi tiết tin để viết bài. Có lẽ người ta thích biên tập bởi vì, biên tập, đơn giản có nghĩa: không cần đi, không cần quan sát, không cần gặp gỡ tiếp xúc phỏng vấn mà vẫn có thể có sản phẩm và có... thù lao.

Ai cũng có thể làm biên tập?

Khảo sát trong đối tượng “thích làm biên tập”, khi đặt câu hỏi, theo anh chị, biên tập (theo nghĩa là sửa chữa, lựa chọn, cắt xén, thêm bớt...), quan trọng nhất là biên tập cái gì, thì đa số trả lời, đó là biên tập câu chữ, chọn lựa số liệu. Điều đó luôn đúng và luôn cần. Nhưng công việc biên tập là một lao động phức tạp mà không phải cứ làm báo lâu năm là trở thành biên tập. Đó là công việc gác cổng về tư tưởng, gác cổng về kiến thức, và công việc làm tác phẩm báo chí hay hơn, đẹp hơn.

Để bảo đảm tác phẩm chính xác về quan điểm, lập trường tư tưởng, để giúp bản thảo phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế; đảm bảo an ninh quốc gia; phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý, thẩm mỹ của dân tộc; chống xu hướng lai căng, vọng ngoại... người biên tập phải có bản lĩnh chính trị nhất định, phải am hiểu quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, nắm vững Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; Phải theo dõi chặt chẽ, nắm chắc diễn biến của tình hình chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới, nhất là dòng chủ lưu thời sự; phải biết phối kiểm thông tin; biết kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên khi cần. Nói cách khác, người biên tập phải có sự nhạy cảm của một nhà chính trị.

Để tác phẩm đạt chất lượng cả về nội dung và hình thức, người biên tập cần phải có năng lực xử lý kết cấu, văn phong, kinh nghiệm và kỹ năng thẩm định. Lao động biên tập - vì thế - là công việc không hề đơn giản! Thường nếu không từng là người đi và viết nhiều kinh nghiệm, nếu không phải là người biết khai thác chi tiết, thì khó có thể làm được công việc của người biên tập đúng nghĩa./.

Cù Thị Thanh Huyền

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/lam-bien-tap-vien-de-hay-kho-n5096.html