Làm bóng đá phải tử tế và giáo dục tốt cho cầu thủ

Nhìn thấy đứa con ôm mặt đau đớn sau một pha phạm lỗi của đối thủ, anh Lê Lợi đứng như 'chết lặng' với ánh mắt đầy lo âu.

Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh ấy, đó là bức tranh chân thật và sống động nhất để nói về bóng đá. Người bố đánh trống cổ vũ cho con trai thi đấu và bật khóc khi thấy nó bị đá xấu. Câu chuyện xảy ra ở Học viện bóng đá HAGL - nơi diễn ra hai trận tứ kết giải U15 Quốc gia 2022.

Bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, nước mắt, nụ cười đều được gửi theo từng đường bóng của con trai. Anh Lê Lợi chạy đến ôm con và hét lớn: “Con trai ơi, cho bố hôn giày của con một cái”.

Nụ hôn của người bố dành cho đội trưởng U15 HAGL.

Người đàn ông ấy có nước da ngăm đen, khuôn mặt khắc khổ nhưng ánh mắt chứa đầy hy vọng. Đó là niềm hy vọng cậu con trai luôn khỏe mạnh, tránh được sự khắc nghiệt của môn bóng đá (chấn thương) để trở thành cầu thủ trong tương lai.

Buổi sáng hôm sau, tôi ngồi xem những cầu thủ trẻ tập ở Hàm Rồng (Học viện bóng đá HAGL). Hôm đó trời mưa nên sân bóng có mái che được chia làm hai bên. Một bên các cầu thủ ở độ tuổi 15 của HAGL tập, bên còn lại là 17 cầu thủ nhí của Học viện Nutifood tập cùng HLV Graechen. Một chiếc xe ô tô chạy đến trước cửa sân, người tài xế mở cửa cho cậu bé và bố mẹ đi xuống. Họ tìm HLV HAGL để làm thủ tục nhập học cho con. Anh tài xế báo tổng cộng 320 nghìn, người bố trả cho anh 350 nghìn.

Người mẹ kể gia đình đi từ miền Bắc vào để làm thủ thục nhập học cho con trai, sau khi nó trúng tuyển vào Học viện bóng đá HAGL. Cả ba người đứng xem các đứa trẻ tập bóng đá với ánh mắt bừng sáng. Có lẽ họ đang nghĩ về ngày mai tươi đẹp, đứa con trai sẽ thành tài và trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Và câu chuyện quen thuộc trong các giải đấu trẻ, nhiều phụ huynh sẽ theo chân các con đi khắp nơi. Họ muốn được xem con chơi bóng. Đó là niềm hạnh phúc đầu tiên của các ông bố, bà mẹ có con theo nghiệp cầu thủ. Mỗi đường bóng, mỗi bước chạy của chúng là niềm hy vọng cho gia đình, bà con, kể cả bạn bè của bố mẹ chúng.

Chăm lo cho các đứa trẻ theo học bóng đá là trách nhiệm rất lớn ở các nơi đào tạo trẻ.

Nếu bỏ qua câu chuyện “đường bóng của con, niềm hy vọng của bố mẹ”, một điều hết sức quan trọng khác (có thể nói quan trọng nhất) - đó là các ông bố, bà mẹ đã chấp nhận trao đi tài sản quý giá của gia đình cho các Học viện, Trung tâm, CLB bóng đá. Bởi trong cuộc đời của mỗi con người thì không có điều gì quý giá hơn đứa con. Và người làm cha mẹ chấp nhận xa con đã là một sự đánh đổi rất lớn, phải nói vô cùng lớn trong cuộc đời.

Bóng đá Việt Nam đã quen với khái niệm các đứa trẻ theo nghiệp cầu thủ để thoát nghèo, hay câu chuyện về những tuyển thủ có gia cảnh khốn khó, nhà có nhiều miệng ăn nên một đứa con đi đá bóng là giúp gia đình giảm bớt gánh nặng. Câu chuyện đó chỉ có ý nghĩa làm chất liệu tô đẹp cho môn thể thao vua. Về bản chất, không ông bố, bà mẹ nào muốn xa con ngay từ lúc nhỏ. Một đứa trẻ muốn thành tài thì cái giá phải trả là mỗi ngày đều nỗ lực vượt qua nỗi nhớ gia đình, xa bố mẹ, những giọt mồ hôi rơi trên sân bóng, sức lực và tuổi thơ không giống như các đứa trẻ bình thường khác.

Cũng không có một lò đào tạo nào đảm bảo một đứa trẻ vào học bóng đá sẽ thành công để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, là ngôi sao sân cỏ trong tương lai. Nơi đó chỉ là nơi để gieo hy vọng, là nơi gieo ước mơ cho các em nhỏ. Với gia đình của chúng, nơi đó còn để đợi chờ khi xung quanh họ thì các đứa trẻ khác cắp sách đi học mỗi ngày, nô đùa bên gia đình trong niềm hạnh phúc. Họ đang sống trong hy vọng và đợi chờ đứa con đến ngày tung hoành trên các sân cỏ mà các khán đài đầy ắp người xem.

Những người làm bóng đá phải có trách nhiệm chăm lo và dạy dỗ thật tốt cho các đứa trẻ.

Với những người làm bóng đá, nhất là đào tạo trẻ thì cần nắm bắt được những điều kể trên. Họ cần phải biết ơn khi phụ huynh chấp nhận trao các con theo học bóng đá, thay vì họ nghĩ vẽ ra được tương lai cho những đứa trẻ. Họ cần phải làm theo cách tử tế nhất, giáo dục, nuôi dạy các đứa trẻ tốt nhất. Có thể trong tất cả em nhỏ sẽ có đứa lớn lên không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ cầu thủ, hoặc thiếu may mắn để không thể trở thành cầu thủ, nhưng nhất định phải trở thành một công dân tốt. Chúng phải có kiến thức, được ăn học đàng hoàng để trở thành người hữu ích cho xã hội. Con đường duy nhất là các lò đào tạo bóng đá phải như ngôi trường, trong đó giáo dục và văn hóa phải được ưu tiên lên hàng đầu.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-sport/lam-bong-da-phai-tu-te-va-giao-duc-tot-cho-cau-thu-202208251539331193.html