Lâm Ca: Triển vọng kinh tế từ trà hoa vàng

Những năm qua, từ sự chủ động của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập đã đưa cây trà hoa vàng vào trồng thử nghiệm, đến nay, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả.

Trà hoa vàng hay còn được gọi với những cái tên khác như: kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng… Đây là loại cây dược liệu quý, thường mọc tự nhiên ở khu vực đồi núi. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trà hoa vàng có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe như: tăng cường hệ miễn dịch; giảm xơ vữa động mạch; phòng ngừa các bệnh tim mạch; ức chế và giảm sự phát triển của tế bào ung thư… Với nhiều lợi ích đem lại, trà hoa vàng được nhiều người tìm mua với mức giá cao. Để phát triển kinh tế, người dân trên địa bàn xã Lâm Ca đã đưa cây trà hoa vàng về trồng thử nghiệm và bước đầu đem lại hiệu quả.

Người dân thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca chăm sóc cây trà hoa vàng

Người dân thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca chăm sóc cây trà hoa vàng

Gia đình ông Nguyễn Văn Lý, thôn Khe Dăm là một trong những hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng về trồng. Ông Lý cho biết: Năm 2013, tôi lên rừng đào gốc cây về trồng tại vườn nhà. Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm khoảng 40 cây. Sau này, nhận thấy cây dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình tôi đã chủ động mua giống cây về trồng để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 1.000 cây trà hoa vàng, trong đó có trên 200 cây đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, gia đình thu được khoảng 80 kg hoa trà tươi. Với giá bán từ 500 đến 700 nghìn đồng/kg hoa trà tươi và 15 triệu đồng/kg hoa trà khô, mỗi năm, gia đình tôi thu về từ 45 đến 60 triệu đồng.

Không chỉ riêng gia đình ông Lý, một số hộ dân trên địa bàn xã Lâm Ca cũng đã đem giống cây trà hoa vàng về trồng. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của cây và mong muốn hỗ trợ người dân phát triển mô hình theo hướng bền vững, hạn chế khai thác ồ ạt cây tự nhiên, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng (đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) triển khai đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao giá trị cây trà hoa vàng của huyện Đình Lập”. Sau 4 năm triển khai, năm 2022, đề tài nghiên cứu đã kết thúc.

Theo đó, đơn vị thực hiện đề tài đã trồng mới 6 ha cây trà hoa vàng trên địa bàn xã Lâm Ca và bố trí vườn cây mẹ phục vụ quá trình nhân giống. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nhân giống, thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm từ trà hoa vàng cho người dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao giá trị cây trà hoa vàng, mở rộng diện tích và bảo tồn được giống cây.

Ông Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm cho biết: Tôi bắt đầu trồng cây trà hoa vàng từ năm 2016 với khoảng 1.100 cây. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi chỉ lên rừng đào lấy gốc cây hoặc mua giống về trồng tại vườn, chưa biết cách nhân giống. Đến năm 2018, khi tham gia đề tài của Sở Khoa học và Công nghệ, gia đình tôi đã được hỗ trợ trồng mới hơn 2.000 cây, nâng tổng số lên trên 3.000 cây. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được hỗ trợ bố trí vườn cây mẹ và hướng dẫn kỹ thuật nhân giống. Năm 2022, tôi đã bắt đầu phát triển ươm cây giống để bán cho bà con quanh vùng.

Từ sự hỗ trợ của đơn vị chuyên môn và sự chủ động của người dân, đến nay, toàn xã Lâm Ca đã có 23 hộ trồng cây trà hoa vàng với tổng diện tích 10,5 ha, chủ yếu ở thôn Khe Dăm và Khe Ca.

Ông Nguyễn Chí Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây trà hoa vàng được bà con trên địa bàn xã đưa vào trồng bước đầu đã đem lại hiệu quả. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, thời gian qua, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu cho bà con, trong đó có cây trà hoa vàng. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì, mở rộng diện tích, thành lập các tổ hợp tác để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Dự kiến từ nay đến năm 2025, xã sẽ nâng tổng diện tích trồng cây trà hoa vàng lên khoảng 15 ha.

Năm 2022, sản phẩm trà hoa vàng của huyện Đình Lập đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Quyết định số 91074/QĐ-SHTT. Theo đó, có 8 hộ dân trên địa bàn xã Lâm Ca được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể. Trên cơ sở đó, hiện nay, UBND xã đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để hướng tới đăng ký xây dựng sản phẩm trà hoa vàng của xã thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Việc phát triển mô hình trồng cây trà hoa vàng đã và đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân và góp phần bảo tồn cây dược liệu quý trên địa bàn.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/579749-lam-ca-trien-vong-kinh-te-tu-tra-hoa-vang.html