Làm cách nào để chọn được người giúp việc tốt, ở được lâu dài?

Có thể nói, đằng sau thành công của phụ nữ hiện đại giờ đây cần đến bóng dáng của... người giúp việc tốt.

Dân quê mình ở để tình, đi để tiếng

Chị Ngô Thị H. (Hà Nội) chia sẻ, hôm đưa con xuống sân chung cư tập đi, chị nghe lỏm được câu chuyện một bà giúp việc thông tin với cô giúp việc hàng xóm là bác ta đã báo với chủ nhà nghỉ việc trông trẻ để về đi chợ và và chăm con thi đại học.

- Thế nhà chủ bảo gì hả bác? – Cô giúp việc trẻ hỏi.

- Nó khôn lắm, cứ nài nỉ mình ở lại làm cho nó hết hè. Thế là chị cũng cố giúp thêm tháng nữa, tuần sau chị được về rồi. Nhưng chị cũng sắp xếp xong xuôi hết cho nhà nó rồi:Nhà cửa gọngàng sạch sẽ, lôi hết chăn chiếu mốc ra phơi nắng, đỗ lạc phơi sạch, bát đũa, nồi, chảo… cái nào cũ quá thì dọn vào bao tải cho vào góc bếp để nó cho ai thì cho... Túm lại là mình sống sao ra đi phải làm cho chủ nhớ và giữ mình ở, chứ để nó gật đầu, thõng câu: “Bác đi đi” thì nói làm gì? Dân quê mình chăm chỉ, chất phác, ở để tình, đi để tiếng vậy thôi.

Thế đấy, là người giúp việc nhưng suy nghĩ của bác thật thấu đáo, tử tế, - chị Hằng nhận xét. Bác ấy nghĩ vậy thì làm việc gì cũng tốt và được yêu quý, chứ không chỉ làm giúp việc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Muốn có người giúp việc tốt: Đừng liên tục soi mói, bắt lỗi họ

Chị Trần Thúy L. (TP Đà Nẵng) là người buôn bán nên lúc nào cũng bận, hôm nào bác giúp việc về quê là hôm đó chị quay cuồng chăm con, làm việc nhà và việc bán hàng online ì ạch ngay.

Chị kể, khi sinh con gái đầu lòng chị đã bị trầm cảm sau sinh vì đêm nào cũng phải pha sữa, bế con suốt vì cứ đặt xuống là nó khóc. Ban ngày con ngủ thì chị mệt rũ, không buôn bán gì được. Vì vậy khi có bầu con thứ hai chị quyết tâm trả gấp đôi tiền lệ phí để nhờ trung tâm môi giới tìm hộ một giúp việc tốt, chăm chỉ, khỏe mạnh, nhưng ít về nhà...

Họ đưa tới cho chị bác giúp việc hơn 40 tuổi, trông cũng sạch sẽ. Ngày đầu tiên chị đang hướng dẫn công việc phải làm trong nhà, bác ấy hỏi thẳng về lương tháng. Chị nói trả 5 triệu đồng, cao hơn chủ cũ hẳn 1 triệu đồng, nhưng yêu cầu mọi việc trong nhà phải tươm tất, gọn gàng, trẻ con lúc nào cũng sạch sẽ... và nhất là sau khi chị sinh con thì bác ấy phải lo toan cho hai trẻ để chị còn bán hàng.

Nghe vậy bác ấy cười tươi, nhận việc và quét dọn nhà cửa ngay. Nhìn bác ấy nâng cả cái máy tập thể dục nặng nề lên để lau sàn là chị thấy mừng, biết bác có sức khỏe là sẽ nhanh nhẹn, không ngại việc...

Ảnh minh họa, không liên quan tới bài viết.

Khi bác ấy quen việc nhà cũng là lúc chị sinh con. Bác ấy trông cả hai con, thu vén nhà cửa tươm tất, con gái lớn được đưa đón đi học đều đặn, con trai nhỏ đêm hôm bác dậy pha sữa, cho nó bú bình... Chị cứ nghỉ ngơi kiêng cữ 3 tháng 10 ngày nhẹ nhõm, rồi tập tành giảm béo, làm đẹp và vẫn bán hàng liên tục nên có thu nhập và không mất khách. Chồng chị chỉ phải lo đi làm, kiếm tiền, tối về chơi với con. Anh dành thời gian với vợ con nhiều hơn, không gắt gỏng, nhăn nhó như lần sinh con đầu lòng.

Cả nhà quý bác giúp việc, chị nói với chồng là "phía sau sự thành công của người phụ nữ luôn có bóng dáng của... người giúp việc tốt". Nhưng để có người giúp việc tốt chị đối đãi với bác ấy rất độ lượng, luôn coi bác như người nhà với suy nghĩ giúp bác ấy ở cùng cả nhà vui vẻ, môi trường thân thiện, hòa hợp để bác ấy toàn tâm, toàn ý chăm lo cho con mình.

Ảnh minh họa.

Chị không tính toán chắc lép, so đo với bác giúp việc. Đồ vật cũ, quần áo không dùng của cả nhà, của người thân, cả những món đồ chơi con chị không thích nữa là chị cho bác mang về quê. Tháng nào chị cũng nạp 200 ngàn đồng vào điện thoại để bác ấy liên lạc với mọi người. Hôm nào hai vợ chồng đi liên hoan, ăn nhà hàng là cho bác tiền ở nhà trông con, mấy bác cháu muốn ăn gì ngon ngon tùy thích. Nhà chị có đi chơi, du lịch cũng cho bác đi theo...

Chị L. chia sẻ, chị thấy nhiều nhà coi thường người giúp việc như kẻ dưới, con cái hỗn láo với người giúp việc mà không ngăn chặn, dạy bảo... Như thế là gián tiếp dạy con khinh người giúp việc, tạo cho con thói quen xấu. Khi người giúp việc không được tôn trọng, bị trẻ con hỗn láo... đương nhiên họ sẽ tìm chủ khác.

Chị L. cho rằng, tình cảm xuất phát từ trái tim đến trái tim sẽ gần gũi nhau hơn, vì vậy chị dạy con tôn trọng bác giúp việc từ bé, con hư hỗn là chị mắng, thậm chí phạt con ngay. Chị còn nhờ bác giúp việc nghiêm khắc nếu con sai. Có người nhà thấy bác giúp việc nhàn hạ, bảo chị sang làm thêm cho nhà họ cho bõ tiền bỏ ra. Chị cho rằng có dư thời gian thì để bác ấy chơi, nghỉ ngơi, còn có sức lo cho gia đình chị, chứ sít sao quá thì bác ấy mệt. Bác giúp việc nghe chuyện cảm động lắm.

Vợ chồng chị cư xử với bác giúp việc tôn trọng, nhẹ nhàng, tuyệt đối không gắt gỏng, mắng mỏ. Vậy nên, bác ấy thành tâm yêu quý gia đình chị, chăm hai con chị như con cháu của bác, và các con chị cũng rất quý bác. Con chị ốm bác bế cả ngày, lo lắng xót xa, thậm chí gắt lên vì chị chưa cho bé uống hạ sốt…Tới mức mỗi lần bác giúp việc về quê hai con chị buồn, cảm thấy nhà vắng hẳn. Khi bác ở quê lên cả nhà lại vui vẻ trở lại.

Mỗi lần bác giúp việc về quê là chị thường cho thêm tiền tàu, xe. Nhà bác có hiếu, hỉ chị đều chia sẻ. Tết là chị biếu bác thêm 1 tháng lương, tặng vài bao lì xì cho con bác. Có mua quà gì cho ông bà nội, ngoại thì chị cũng sắm cho bác giúp việc một phần tương tự để về ăn Tết. Sự quan tâm chân thành của chị khiến bác giúp việc rất cảm động, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình chị. Mọi người bảo chị mát tay nuôi được giúp việc tốt, nhưng chị nghĩ đơn giản là mình cho đi như thế nào thì sẽ được nhận lại như thế.

Ảnh minh họa.

Ngày nay kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao hơn, nhu cầu về người giúp việc gia đình cũng tăng rõ rệt, yêu cầu của gia chủ cũng cao hơn những năm trước đây rất nhiều. Giúp việc nhà giờ là một nghề lao động chân chính, không bị gọi là người ở, nô tì… thuộc tầng lớp thấp nhất của xã hội, không có quyền quyết định về cuộc sống của họ.

Tuy vẫn có những gia đình thiếu tôn trọng, so đo tính toán, hành hạ người giúp việc cho bõ đồng tiền bỏ ra.. và đương nhiên giúp việc bỏ đi, rồi lại than không tìm được giúp việc tốt, không có số nô bộc nên không chọn được người giúp việc.

Để có người giúp việc tốt, ngoài nhờ các trung tâm, công ty giúp việc giới thiệu, làm việc dựa trên hợp đồng và được đào tạo nghiệp vụ bài bản - thì phần lớn là do người thuê cư xử có đúng mực, có tôn trọng hay không, đồng lương có xứng đáng không, và quan trọng là môi trường sống và làm việc có thoải mái không. Nếu gia chủ nhìn nhận người giúp việc cởi mở, tôn trọng, công bằng, coi giúp việc nhà là một ngành nghề thật sự thì sẽ có được người giúp việc tốt ưng ý, làm việc được lâu dài.

Dương Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lam-cach-nao-de-chon-duoc-nguoi-giup-viec-tot-o-duoc-lau-dai-20190604162407893.htm