Làm cách nào để 'hạ bệ ngôi vua của tiền mặt'?

Năm 2019, Thủ tướng yêu cầu việc thanh toán, chi trả lương khu vực công qua hệ thống ngân hàng tăng gấp đôi. Ngoài POS, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán đã triển khai 30.000 điểm chấp nhận QR-code.

Ảnh minh họa.

Thanh toán qua ngân hàng gấp 13 lần GDP

Tại hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết năm 2018 hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137 triệu giao dịch, giá trị đạt 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017.

Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, NHNN, đến nay đã có khoảng 80% các đơn vị hành chính công đã thực hiện trả lương cho người lao động qua ngân hàng, trong đó, tích cực nhất là kho bạc, hải quan, thuế… Riêng ngành điện, hiện có 27 triệu khách hàng (chiếm 50%) thanh toán qua ngân hàng.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, tính đến cuối tháng 6/2018, số lượng tài khoản cá nhân tại Việt Nam đạt khoảng 75 triệu tài khoản. Số người có tài khoản tại ngân hàng đạt trên 43 triệu người, chiếm khoảng 60% người từ 15 tuổi trở lên.

Số thẻ lưu hành đạt 101 triệu thẻ, số lượng giao dịch qua POS tăng gần 42%, giá trị giao dịch tăng 29,4% so với năm 2017, tính đến cuối tháng 9/2018.

Có 76 ngân hàng cung ứng dịch vụ internetbanking và có 41 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động. Về cung ứng dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 26 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Năm 2019, Thủ tướng ra Nghị quyết 02 yêu cầu việc thanh toán, chi trả lương khu vực công qua hệ thống ngân hàng phải tăng gấp đôi. Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải áp dụng chung nền tảng thanh toán QR code đến năm 2019 – 2020. Hiện cũng đã có 30.000 điểm chấp nhận QR-code. Kế hoạch đến cuối năm 2021, toàn bộ thẻ của khách hàng tại các ngân hàng đều được chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip.

Cần Chính phủ hỗ trợ để đẩy nhanh TTKDTM

Theo ông Thomas William Tobin, Giám đốc Khối bán lẻ, ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank), tại Singapore có 80% giao dịch thanh toán đã thực hiện QR-code. Đối với những công ty nhỏ dùng thanh toán bằng QR-code tiện hơn so với POS. Hiện Vietcombank đang triển khai mạnh thanh toán các dịch vụ bằng contactless (thanh toán phi tiếp xúc) theo xu thế công nghệ mới hiện đại, tiện ích và đem nhiều trải nghiệm cho khách hàng.

Ông Thomas William Tobin cho rằng nếu muốn dịch vụ hành chính công tốt hơn phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ vì hiện các ngân hàng đang tiếp xúc công riêng lẻ, chưa đồng nhất. Việc thu học phí và giải trí… cũng thanh toán bằng QR-code.

Các diễn giả tại hội thảo cho rằng vẫn còn khá nhiều rào cản để triển khai thamh toán phi tiền mặt rộng khắp - Ảnh: BizLIVE.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cũng cho biết tại Trung Quốc, khối lượng thanh toán di động đạt 12.800 tỷ USD (số liệu từ Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc).

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo với 80% người dân được hỏi đã cho biết họ chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán COD – trả tiền khi nhận hàng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp khu vực công cũng đã nhận thức rất tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể các đơn vị: Kho bạc, điện lực, hải quan, thuế… đã cùng ngân hàng xây dựng hạ tầng để kết nối trong việc này. Các ngân hàng cũng dùng giải pháp đẩy mạnh khuyến mại, ưu đãi khi vay vốn… để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt từ phía người dùng thẻ.

Tuy nhiên, để việc thanh toán không dùng tiền mặt rộng khắp, vẫn còn khá nhiều rào cản liên quan đến chi phí đầu tư công nghệ, chi phí trả cho ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, thuế…

Từ phía ngân hàng, ông Từ Tiến Phát kiến nghị cần giảm chi phí, thời gian đối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; Cần có quy định đối với xác thực điện tử (e-kyc); Ban hành chuẩn quốc gia về QR-code;

Ông Phát cũng nhấn mạnh cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp dịch vụ POS. Các ngân hàng vì cạnh tranh lắp đặt POS, lôi kéo khách hàng nên có tình trạng chi phí chênh lệch nhau. NHNN cần phải đưa ra mức phí chuẩn, thống nhất.

Bên cạnh đó, cần phải có chuẩn hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công. Vì trong quá trình thực hiện kết nối với các trường học để thanh toán không dùng tiền mặt, ACB gặp phải rào cản là mỗi trường một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, ngân hàng phải chuẩn chỉnh lại cho đồng bộ mới thanh toán được.

Về phía doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN TP.HCM), cho biết hiện công ty có 80,6% khách hàng trả tiền điện bằng phương thức TTKDTM. EVN TP.HCM đã hợp tác với 23 ngân hàng, 9 đối tác trung gian thu tiền điện qua 2.279 ATM, 6.900 điểm thu là các ngân hàng, siêu thị tiện ích… Ví điện tử đã có 9 đối tác tham gia. Tỷ lệ khách hàng TTKDTM đạt 90,2%. Số tiền thu được trên doanh thu trên 90% qua TTKDTM.

Ông Nguyễn Duy Quốc Việt kiến nghị vấn đề bảo mật thẻ là quan trọng khiến khách hàng e ngại. Phí giao dịch ngân hàng cũng quan tâm để lôi kéo khách hàng. Ngoài ra, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin phải triển khai đồng bộ mới triển khai nhanh được.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/lam-cach-nao-de-ha-be-ngoi-vua-cua-tien-mat-3489342.html