Làm chủ công nghệ cao

Việc làm chủ, phát triển công nghệ cao (CNC), ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm… Đây là hiệu quả nổi bật trong các dự án phát triển công nghiệp CNC đã được Bộ Công Thương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Thu hút doanh nghiệp

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Công Thương, chương trình phát triển một số ngành công nghiệp CNC do Bộ triển khai thực hiện đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, với nhiều kết quả tích cực. Các DN, viện, trường thông qua triển khai những nhiệm vụ thuộc chương trình đã nâng cao trình độ KH&CN. Nếu như các viện, trường và nhà khoa học tăng khả năng nghiên cứu KH&CN hiện đại, tiên tiến về CNC, thì với DN là nâng cao năng lực làm chủ CNC để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

 Doanh nghiệp nâng cao năng lực làm chủ công nghệ cao để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường

Doanh nghiệp nâng cao năng lực làm chủ công nghệ cao để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường

Đáng chú ý, trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn chế thì thông qua việc triển khai chương trình, Bộ Công Thương đã huy động được nguồn vốn đáng kể ngoài ngân sách tham gia thực hiện, với xu hướng ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2015, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt đạt gần 55.000 triệu đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn thực hiện. Đến giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án tham gia thực hiện chương trình (tính cả số kinh phí dự kiến bố trí trong kế hoạch năm 2019 - 2020) đạt trên 750.000 triệu đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 85% tổng nguồn vốn thực hiện.

Đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ được nghiệm thu, sản phẩm của các dự án đều mang lại hiệu quả cao về KH&CN, cũng như kinh tế cho DN, xã hội cho cộng đồng, tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển công nghệ nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ CNC. Đặc biệt, đối với DN, việc làm chủ, phát triển CNC đã nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giảm được giá thành khi so sánh với sản phẩm nhập ngoại, tạo ra vị thế cho DN.

Thay thế sản phẩm nhập khẩu

Tiêu biểu, phải kể đến Dự án "Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM, hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh" do Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công hệ thống hội chẩn video nhằm phục vụ hội chẩn trực tuyến các trường hợp siêu âm, X-quang, CT, MRI, DSA.

Ưu điểm của hệ thống hội chẩn video là tạo ra một phòng họp trực tuyến, từ phòng siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, phòng mổ..., giúp các bác sĩ giao tiếp từ khoảng cách rất xa qua mạng internet. Từ đó, các bác sĩ cùng nắm bắt được tình trạng của bệnh nhân, để trao đổi và đưa ra phương hướng điều trị thích hợp. Hệ thống hội chẩn video còn được tích hợp với hệ thống PACS, giúp việc số hóa các hình ảnh X-quang, CT, MRI, siêu âm trở nên dễ dàng. Sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa đến 85%, nên giá thành giảm xuống chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại.

Hay, Dự án "Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang" do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (POSTEF) chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2019. Việc triển khai dự án không chỉ giúp POSTEF đa dạng hóa sản phẩm, có thêm sản phẩm lõi, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, phát triển theo chiều sâu để có thể tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, mà còn đạt được mục tiêu chủ động nguồn nguyên vật liệu sản xuất cáp quang cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, góp phần đảm bảo hạ tầng an ninh thông tin cho Việt Nam.

Một ví dụ khác đó là Dự án "Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm" do Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung chủ trì thực hiện. Theo báo cáo và kết quả nghiệm thu, sản phẩm của dự án đã đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-1:2011/BYT, được đăng ký nhãn hiệu Green MAP và chất lượng tương đương với sản phẩm MAP-CE44 của Viện Công nghệ thực phẩm Hàn Quốc, với chỉ tiêu về thời gian bảo quản tăng gấp 4 lần so với các sản phẩm bao gói nông sản, thực phẩm thông thường…

Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phát triển công nghiệp CNC đã góp phần quan trọng thay thế các sản phẩm nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các sản phẩm CNC với chất lượng tốt và giá rẻ hơn sản phẩm nhập ngoại.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-chu-cong-nghe-cao-136675.html