Làm chủ công nghệ, nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật sản phẩm quốc phòng

Bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị là một mặt quan trọng trong công tác quản lý vòng đời sản phẩm.

Đó là tập hợp các hoạt động quản lý kỹ thuật và hoạt động kỹ thuật, công nghệ tác động đến các khâu trong vòng đời sản phẩm, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu, chế thử, tối ưu hóa thiết kế; tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng doanh số; đồng thời nhanh chóng "làm mới" để đưa sản phẩm trở lại vòng đời với diện mạo và bản chất mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội.

Với nhiều giải pháp về công nghệ, những năm qua, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã làm chủ nghiên cứu thiết kế, chế thử, sản xuất loạt lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho sư đoàn bộ binh đủ quân; đáp ứng một phần VKTBKT cho các Binh chủng Pháo binh, Tăng thiết giáp; bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số VKTBKT cho không quân, hải quân; đang xây dựng tiềm lực kỹ thuật, công nghệ để hướng tới làm chủ nghiên cứu, sản xuất VKTBKT cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân.

Những năm qua, tỷ lệ sản phẩm do Tổng cục CNQP nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất đạt trên 85%, trong đó, hơn 80% sản phẩm có nguồn gốc từ các đề tài nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ nội địa hóa về công nghệ cũng như về giá trị của các sản phẩm đều cao hơn 80%; nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới hơn 90%. Khâu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và vừa được thực hiện đồng bộ với hệ thống cơ quan kỹ thuật và các trạm sửa chữa trong toàn quân. Riêng sửa chữa lớn và cải tiến được thực hiện tại các nhà máy của Tổng cục CNQP và Tổng cục Kỹ thuật. Nhìn chung, hoạt động bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT do Tổng cục CNQP thực hiện đạt được cả bề rộng và chiều sâu, chủ động về công nghệ và vật tư kỹ thuật.

Lắp ráp súng bộ binh ở Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: SƠN BÌNH

Tuy nhiên, khả năng nghiên cứu thiết kế, sản xuất VKTBKT hiện đại, tích hợp hệ thống, công nghệ cao của Tổng cục CNQP vẫn còn những hạn chế. Việc đề xuất ý tưởng nghiên cứu sản phẩm mới chưa theo kịp nhu cầu phát triển, hiện đại hóa Quân đội. Mặt khác, quá trình nghiên cứu thiết kế, cải tiến, chế thử sản phẩm phải mất nhiều công đoạn do vướng mắc quy định pháp lý, chưa đáp ứng được đòi hỏi cấp bách về thời gian đưa sản phẩm vào trang bị cho các đơn vị. Tổng cục cũng chưa làm chủ được một số nguyên vật liệu, vật tư đặc chủng đầu vào cho sản xuất VKTBKT. Số lượng, chủng loại VKTBKT do CNQP sản xuất còn ít so với số lượng, chủng loại VKTBKT trang bị trong toàn quân. Do đó, phạm vi, quy mô, mức độ ảnh hưởng của hoạt động bảo đảm kỹ thuật đối với toàn quân còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thu thập, phân tích, xử lý thông tin để đánh giá khả năng hỏng hóc, tuổi thọ VKTBKT và đưa ra các quyết định về bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, duy trì hay kết thúc vòng đời sản phẩm còn hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên do quản lý sản phẩm theo vòng đời là xu hướng mới, hiện đại, đang được áp dụng ở các nước, các tập đoàn có nền sản xuất lớn, thị trường rộng, sản phẩm đa dạng. Trong khi quy mô sản xuất của Việt Nam còn nhỏ, thị trường hẹp, sản phẩm chưa đa dạng; chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách quy định hoạt động quản lý theo vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, ngân sách, cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu thiết kế, cải tiến VKTBKT công nghệ cao còn thiếu; khả năng đáp ứng, hỗ trợ của công nghiệp quốc gia cho CNQP còn hạn chế, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, hệ thống bảo đảm kỹ thuật chưa hoạt động theo tính chất vòng đời sản phẩm, thiếu các công cụ quản lý, thiếu nhân lực có kỹ năng trong nghiên cứu nhu cầu, đánh giá hiệu quả sử dụng, tham mưu ra quyết định về tối ưu hóa mỗi khâu hoặc tối ưu hóa vòng đời sản phẩm.

Từ những bất cập trên, thời gian tới, để bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời sản phẩm VKTBKT do Tổng cục CNQP sản xuất, cần tập trung rà soát, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để quy định trách nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện quản lý sản phẩm theo vòng đời, trong đó có hoạt động bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời sản phẩm quốc phòng do CNQP sản xuất. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng quy định các doanh nghiệp phải có trách nhiệm theo dõi quá trình sử dụng sản phẩm ở đơn vị, bảo hành, hỗ trợ kỹ thuật trong bảo dưỡng, sửa chữa và thường xuyên cải tiến sản phẩm. Đồng thời, có chính sách ưu đãi và tăng giá mua để bù đắp chi phí cải tiến, nâng cấp sản phẩm cho doanh nghiệp; bố trí ngân sách để đưa sản phẩm phiên bản tốt hơn vào vòng đời, loại khỏi vòng đời các phiên bản cũ.

Cùng với đó, cần hoàn thiện tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị tham gia các khâu của quá trình bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời sản phẩm. Bổ sung nhân lực chuyên trách, có kỹ năng và công cụ quản lý, nhất là khâu khai thác, sử dụng sản phẩm để thu thập, phân tích, xử lý thông tin, đánh giá, hỗ trợ ra quyết định về bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, kéo dài, kết thúc vòng đời sản phẩm. Nâng cao năng lực tự chủ tài chính của doanh nghiệp quốc phòng thông qua đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo nguồn thu lớn và ổn định giúp tái đầu tư cho công tác bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời sản phẩm quốc phòng vốn đòi hỏi chi phí lớn, chưa tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn. Đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, đồng bộ cho một số lĩnh vực then chốt của CNQP, tạo sức đột phá về năng lực nghiên cứu, cải tiến, sản xuất VKTBKT công nghệ cao...

Thiếu tướng, TS DƯƠNG VĂN YÊN, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lam-chu-cong-nghe-nang-cao-chat-luong-bao-dam-ky-thuat-san-pham-quoc-phong-763096