Làm chủ khai thác máy bay hiện đại

Những năm gần đây, Công ty Trực thăng miền Bắc (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) tiếp nhận, đưa vào trang bị và khai thác nhiều loại máy bay và trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại. Cán bộ, phi công, nhân viên công ty đã nỗ lực huấn luyện, áp dụng chuẩn hóa quy trình công nghệ, làm chủ khai thác máy bay và trang bị khí tài được biên chế, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chuyển loại thành công trong 5 ngày

Công ty Trực thăng miền Bắc hiện có trong biên chế nhiều loại máy bay trực thăng, do nhiều nước sản xuất, như: Nga, Pháp, Mỹ... Sự xuất hiện của mỗi chủng loại đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của công ty và cũng ghi nhận sự khổ luyện của các thành phần, đặc biệt là phi công và ngành kỹ thuật hàng không (KTHK) trong quá trình huấn luyện chuyển loại và khai thác máy bay.

Trung tá, Phi công cấp 1 Phạm Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc chia sẻ: "Để tiếp thu, làm chủ các loại máy bay mới và hiện đại như EC-155B1 hay Bell, công ty lựa chọn những phi công có trình độ kỹ thuật lái tốt, đặc biệt là thông thạo tiếng Anh, bởi tài liệu hướng dẫn sử dụng và ký hiệu núm nút, cũng như các màn hình hiển thị của hai loại máy bay này đều bằng tiếng Anh. Không chỉ chủ động tổ chức đào tạo, huấn luyện, công ty còn gửi phi công sang huấn luyện tại Mỹ đối với loại máy bay trực thăng Bell. Thiếu tá Lưu Thanh Hải, Đội trưởng Đội bay 1 (Công ty Trực thăng miền Bắc), cho biết: "Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, vì dòng máy bay Bell chưa có đơn vị nào tại nước ta sở hữu".

Cán bộ, nhân viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không chuẩn bị máy bay Bell, phục vụ bay huấn luyện.

Theo hợp đồng, đợt chuyển loại phải hoàn thành nội dung trong thời gian rất ngắn. Vì vậy, có những hôm, phi công phải “dùi mài” lý thuyết bay đến 2-3 giờ sáng. Chắt chiu kinh nghiệm qua từng phút, từng giờ bay; tích cực bình giảng sau mỗi chuyến bay, ban bay; chủ động trao đổi với giáo viên... nên chỉ sau hai ngày học lý thuyết và 3 ngày thực hành bay, khóa chuyển loại đã hoàn thành. Thiếu tá Lưu Thanh Hải còn được đào tạo trở thành giáo viên bay trên Bell, phục vụ quá trình huấn luyện phi công của đơn vị sau này.

“Thiện chiến” ở từng vị trí

Do đặc thù nhiệm vụ nên máy bay của Công ty Trực thăng miền Bắc thường xuyên hoạt động xa căn cứ chính. Bởi vậy, nhân viên chuyên ngành KTHK đi cùng máy bay chỉ có một người theo từng chuyên ngành, gồm: Máy bay động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử. “Hoạt động bay phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, thời gian. Khi phát sinh hỏng hóc, nếu không khắc phục nhanh để máy bay cất cánh sẽ bị lỡ thời cơ bay. Bởi vậy, ngành KTHK luôn được chú trọng đào tạo, bảo đảm tất cả đều “thiện chiến” ở từng vị trí”, Thượng tá Hán Minh Thủy, Giám đốc Trung tâm Bảo đảm KTHK (Công ty Trực thăng miền Bắc) cho biết.

Để bảo đảm việc xử lý hiệu quả các hỏng hóc phát sinh, Trung tâm Bảo đảm KTHK luôn duy trì hoạt động của đội ứng cứu từ xa. Khi xử lý hỏng hóc tại thực địa, nhân viên KTHK có thể gọi điện về đội ứng cứu từ xa ứng trực tại công ty. Từ những hiện tượng hay dấu hiệu hỏng hóc được báo về, đội sẽ có tư vấn xử lý chính xác. Đại úy Hoàng Trung Dũng, Phó đội trưởng Đội kỹ thuật 2, người có nhiều năm theo máy bay hoạt động dã ngoại xa căn cứ chính, cho biết: “Với khả năng, trình độ của nhân viên KTHK tại thực địa và sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của tổ ứng cứu từ xa, hầu hết các hỏng hóc phát sinh đều được xử lý thành công”.

Để có nguồn lực chất lượng cao, ngành KTHK của Công ty Trực thăng miền Bắc chỉ tuyển chọn sinh viên có kết quả học tập đạt khá trở lên. Tiếp đó là quá trình huấn luyện bài bản tại đơn vị và gửi đi đào tạo tại các học viện, trường đại học trong nước, kết hợp với đào tạo tại nước ngoài, như: Nga, Mỹ, Pháp, Singapore... Nhờ đó, tính đến nay, phần lớn kỹ sư, nhân viên KTHK của công ty đều làm chủ, khai thác hiệu quả từ 2 đến 3 loại máy bay đang có trong biên chế.

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lam-chu-khai-thac-may-bay-hien-dai-569400