Làm đẹp sông Cà Lồ

Hàng trăm đoàn viên, thanh niên và người dân xã Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội) vừa thực hiện chiến dịch 'dọn rác để thay đổi' tại cầu Xuân Lai (Sóc Sơn - Hà Nội). Chương trình do Đoàn xã Xuân Thu phối hợp với Đoàn Thanh niên Công ty cổ phần Môi trường đô thị Sóc Sơn tổ chức.

Theo anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đoàn xã Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội), gầm cầu Xuân Lai bắc qua dòng sông Cà Lồ thơ mộng trở thành điểm đen vè rác thải do không ít người dân thiếu ý thức. Giường, tủ, ván gỗ, cành cây... cho đến rác thải sinh hoạt đủ loại “vô tư dừng chân” tại đây. Bên cạnh đó, sông Cà Lồ còn còn đóng vai trò quan trọng trong tưới tiêu cho toàn bộ cánh đồng của xã.

Chân cầu Xuân Lai là bãi rác khổng lồ

Chân cầu Xuân Lai là bãi rác khổng lồ

Hiểu được tầm quan trọng của cây cầu Xuân Lai và sông Cà Lồ, đoàn viên, thanh niên và người dân quyết định thực hiện chiến dịch dọn rác, khơi thông dòng chảy để trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp. Điểm tập kết rác nằm ngay dưới chân cầu, cạnh con đê. Đường đất dốc, trơn trượt khiến việc tiếp cận và vận chuyển rác gặp nhiều khó khăn. Người dân và đoàn viên, thanh niên đã phải cuốc đất thành các bậc thang để tạo lối đi.

“Địa hình bãi rác tự phát hiểm trở nhưng cũng không ngăn được khát khao hướng đến một môi trường xanh – sạch – đẹp của chúng mình. Để có thể vận chuyển các bao rác và phế liệu cồng kềnh, chúng mình phải sử dụng đến ròng rọc kéo rác từ chân cầu lên. Mệt nhưng mà ai cũng vui vì rác thải đang dần được dọn hết” – Nguyễn Thu Hà chia sẻ.

Phải dùng ròng rọc để kéo rác lên

Sinh viên, tình nguyện viên và những người dân cùng quyết tâm dọn rác, khơi thông dòng chảy. Họ đến từ nhiều nơi nhưng điểm chung chính là sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Sau một buổi sáng làm việc cật lực, toàn bộ 600m sông Cà Lồ đã được dọn sạch.

Sau một buổi sáng làm việc tích cực, gầm cầu Xuân Lai đã được dọn sạch

Hãy chung tay bảo vệ môi trường – Xin đừng xả rác xuống sông” là thông điệp các bạn trẻ muốn gửi đến mọi người. Sau chiến dịch, đoàn viên, thanh niên sẽ bàn giao lại điểm tập kết này cho chính quyền khu vực quản lý. Đồng thời, họ cũng tuyên truyền cho mỗi cá nhân, thôn, xã về ý thức và trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/lam-dep-song-ca-lo-d2065243.html