Lâm Đồng: Đà Lạt đẹp nhưng vẫn có phần xấu

Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển. Bao quanh Đà Lạt là rừng núi và nhiều loại cây thực vật xanh ngút ngàn. Đà Lạt còn mang trong mình kiến trúc độc đáo của châu Âu, cùng với đó là hệ thống hoa, nên Đà Lạt có nhiều tên gọi khác: 'Thành phố mù sương', 'Thành phố ngàn thông', 'Thành phố ngàn hoa', 'Xứ hoa Anh Đào' hay 'Tiểu Paris'... Tuy vậy, Đà Lạt cũng có những cái xấu xí cần phải bàn và sửa đổi.

Đà Lạt đang trên đà phát triển nhiều mặt. Ảnh: Huyền.

Đà Lạt đang trên đà phát triển nhiều mặt. Ảnh: Huyền.

Cái đẹp mê hoặc

Chúng tôi đến Đà Lạt vào thời điểm được cho là mùa mưa. Một số người dân bản địa cho biết, mùa nắng đẹp vừa qua được khoảng một tháng nay. Từ giờ đến cuối năm, tức từ tháng 10-11 âm lịch trở đi, nắng vàng đẹp mới trở lại. Mưa Đà Lạt như thế nào, và mùa mưa Đà Lạt ra sao? Mưa và mùa mưa Đà Lạt không giống bất kỳ mưa và mùa mưa ở các tỉnh thành khác trên đất nước ta. Mưa nhẹ lun phun, bay bay, ngắn, tạnh, rồi lại tiếp tục tuần hoàn như vậy trong cả ngày. Vào tầm cuối chiều và tối, mưa có thêm những đợt gió làm du khách có cảm giác lạnh như đang trải qua mùa đông. Nhưng kỳ thực, khoảng 30 phút sau khi được chạm nhẹ vào “chất” lạnh nơi đây, người ta sẽ “à” lên một tiếng và nói thầm: Cái lạnh mới dễ chịu làm sao.

Cái lạnh ở đây thật khó diễn tả. Nó mơn mơn, nó man mát. Nó không làm giá xương thịt như cái lạnh mùa Đông miền Bắc. Bởi vậy, du lịch Đà Lạt vào mùa mưa không có gì phải phàn nàn. Một chút gió lạnh, một chút mưa phùn, chúng ta thong dong ngồi ở vỉa hè trên con phố Bùi Thị Xuân, phố Thông Thiên Học, hay ở ven Hồ Xuân Hương ăn một bắp ngô nướng và uống ngụm nước chè nóng thì còn gì tuyệt vời hơn.

Đà Lạt - miền đất ngàn hoa. Ảnh: Huyền.

Vào buổi đêm, bạn có thể tạt qua chợ đêm Đà Lạt mà nhiều người từ xưa và nay đều quen gọi là chợ Âm Phủ. Nghe cái tên thôi mà không hỏi rõ là thấy rờn rợn rồi thì nào đâu dám đến. Cái tên chợ Âm Phủ xuất hiện từ hồi Đà Lạt chưa có đèn điện sáng như hiện nay, nó nằm ở lòng chảo, người người qua lại, mời chào trong bóng đêm. Vì lẽ đó, nên gọi là chợ Âm Phủ.

Mà lạ, chợ đêm với nhiều người bán đủ mọi lứa tuổi, nhưng người mua chủ yếu là giới trẻ. Hai bên thuận mua vừa bán, người ta không trả giá rườm rà như ở Hà Nội, người bán cũng vậy, ưng là ưng, xuống giá được thì xuống giá, không thì thỏa thích sang hàng khác, rất vui vẻ, cứ như không.

Thái độ người bán cũng điềm đạm, họ dường như không bao giờ nói nặng hay xưng xỉa với người mua. Có quán bán chỉ có một thứ, như trái cây, có quán bán nhiều mặt hàng như các thứ mứt. Không ai bảo ai, dường như lối ứng xử của người Đà Lạt đã thể hiện cả trong buôn bán. Giá cả ở các hàng cũng không bị phá giá, quan trọng là người mua có hứng mua lúc nào thì dừng ở hàng đó mua.

Du khách vào khu chợ đêm Đà Lạt như đi ở chợ quê nhà mình, thỏa thích ngắm, chọn, nâng lên bỏ xuống, lần lữa mãi cũng chẳng sao. Chợ đêm Đà Lạt bán nhiều mặt hàng, thứ quả, thứ rau, thứ hoa nào cũng có, cho đến khăn quàng cổ, quần áo, tất (vớ)... Các mặt hàng ăn đêm cũng đa dạng, giá cả phải chăng, từ xôi, bánh, súp, chả, ngô, bánh tráng nướng, kem bơ... đến lẩu – nướng hải sản, ốc, ngao ghẹ. Nói chung, các đồ dùng để nhâm nhi rượu bia ở Hà Nội có thì Đà Lạt đều có, thậm chí hơn.

Tuy vậy, nổi bật hơn cả là các mặt hàng rau quả, những thứ góp phần làm nên tên tuổi cho Đà Lạt, như: hồng giòn, mận, a ti sô, cà chua, măng tây, cà chua thân gỗ, hoa bất tử... các đồ ăn nhanh từ các xe hàng bán rong, hay từ các bàn ăn nhỏ, những gánh hàng nhỏ cũng thu hút người mua. Du khách trên chiếc xe máy thuê được từ các khu lưu trú với giá phải chăng tha hồ lượn lờ lên xuống dốc các con phố Đà Lạt, ngắm các biệt thự lung linh ánh đèn trong đêm, thưởng thức cái không khí êm lành, điềm đạm, e ấp.

Đó là Đà Lạt về đêm, còn về ban ngày, Đà Lạt hiện diện như nàng công chúa vừa đẹp lại vừa mơ mộng. Đi đâu cũng thấy hoa, dù lên đồi hay vào các con phố, ngõ ngách, hầu như nhà ai cũng có vài vườn hoa nhỏ với đủ các thứ hoa. Chỉ cần trong một ngày, cảm tưởng như du khách có thể đi được hết ở những nơi đẹp nhất của Đà Lạt, như Đồi Mộng Mơ, Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Thông Hai Mộ, Dinh Bảo Đại, Làng Đất Sét, Thác Cam Ly... Tuy nhiên, nếu muốn cảm nhận đầy đủ Đà Lạt qua những nơi này thì du khách không thể “cưỡi ngựa xem hoa” được mà phải nhiều ngày hơn nữa.

Những cái xấu xí

Ánh điện đêm từ các nhà kính trồng cây đang làm xấu và ảnh hưởng đến môi trường Đà Lạt. Ảnh: Huyền

Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt ngàn hoa là thế, nhưng liệu chúng ta có biết cách để duy trì nét đẹp bền bỉ cho nó không. Bởi ngoài vẻ đẹp tự nhiên, thì con người là yếu tố then chốt để quyết định “thanh xuân” lâu dài cho Đà Lạt. Nói đến Đà Lạt, chúng ta không thể không nói đến những cánh rừng thông bạt ngàn. Nó như là “lá phổi” xanh của thành phố này.

Thế nhưng, hồi giữa năm 2017 và những tháng cuối năm này, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về việc các cánh rừng thông bị chặt phá nhằm lấy đất trồng hoa màu và xây dựng nhà tạm. Khi chúng tôi hỏi nhiều người bản địa về các cánh rừng thông hiện nay của Đà Lạt thế nào, thì ai nấy đều tỏ ra lo lắng bởi nạn lâm tặc, không biết nay mai những cánh rừng thông đẹp mắt sẽ đi về đâu nếu như các cơ quan chức năng không có những biện pháp kịp thời.

Đó là nguyên do vì sao nói, con người có tác động mạnh đến vẻ đẹp tự nhiên, “thuần hậu” của Đà Lạt. Một câu chuyện khác, rất đáng lưu tâm là việc trồng cây trong nhà kính. Hiện nay, Đà Lạt đã không còn tự nhiên như xưa. Đà Lạt giờ đây không còn là một màu xanh ngút ngàn chen lẫn các màu hoa tự nhiên, mà xen vào đó là một màu trắng, gần như trắng đục phản ra từ các nhà kính trồng cây.

Bản thân du khách ban đầu nhìn thấy lớp lang nhà kính cho là lạ, nhưng quan sát một lúc thì thấy khó chịu bởi nó chiếm một phần không gian Đà Lạt làm xấu đi vẻ đẹp tự nhiên, còn việc nó ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không thì đã có người lên tiếng. Về việc này đã có chuyên gia cho rằng, việc trồng cây trong nhà kính sẽ gây ra biến đổi khí hậu.

Hy vọng Đà Lạt có những thay đổi, những chính sách phù hợp, không làm xấu môi trường để du khách ngày càng yêu hơn xứ sở sương mù. Ảnh: Huyền.

Việc này cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Đà Lạt. Ngoài ra, nhà kính đều nằm ở lòng chảo, thung lũng, các con dốc nên khi mưa trút xuống sẽ không phân bố đều, mà dồn lại đổ xuống các mương suối tạo dòng chảy lớn gây ngập lụt. Đà Lạt là nơi có khí hậu và thổ nhưỡng tốt, vậy nên chúng ta có cần phải sử dụng đến nhà kính để rồi hậu quả nó mang lại theo như chuyên gia nói là không hề nhỏ?

Câu chuyện nhỏ chúng tôi kể sau đây sẽ cho những ai đã đến và chưa đến Đà Lạt biết để còn tránh, nó đã làm xấu thành phố này. Khi chúng tôi đến Thung Lũng Tình Yêu, lúc này trời mưa sương. Dọc hai bên đường có nhiều tài xế xe ôm chạy chậm lân la đến hỏi có đi thăm các vườn dâu không. Chúng tôi hỏi mùa này có dâu không và giá cả thế nào. Thì người xe ôm nói là dâu rất đẹp, ra tận vườn ngắm, thích mua thì mua không thì thôi.

Chúng tôi cho người xe ôm biết là dâu vừa hết mùa lấy dâu đâu mà ngắm. Anh ta khăng khăng là có vườn trồng đặc biệt để đáp ứng du khách. Và khi chúng tôi chạy theo xe người này đến nơi cách Thung Lũng Tình Yêu khoảng 2km, thì ôi thôi, một phụ nữ ra mời chào vào quán bán đủ các loại quả sấy khô và trà với giá cao gấp nhiều lần so với ở chợ Âm Phủ và những nơi khác. Cô này cũng thẳng thừng nói là mùa này làm gì có dâu mà ngắm. Rồi nài nỉ chúng tôi mua hết thứ này, mua hết thứ kia. Nếu du khách không mua thì người bán thể hiện ngay sự khó chịu.

Thế đấy, không biết anh xe ôm và người phụ nữ có phải người Đà Lạt gốc không, nhưng những gì họ nói và thể hiện với khách đã làm xấu đi một phần Đà Lạt. Thiết nghĩ, để Đà Lạt ngày một đẹp hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước, thì những cái xấu xí kia cần dược dẹp bỏ ngay.

Vũ Đoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lam-dong-da-lat-dep-nhung-van-co-phan-xau-65959