Lâm Đồng: Khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, thực hiện thành công Cuộc vận động

Ngày 6/12, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' - kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại tỉnh Lâm Đồng.

Nâng cao chất lượng, mở rộng kênh phân phối sản phẩm Việt

Tới làm việc tại Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng), ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc công ty thông tin tới đoàn công tác: Thời gian qua, công ty đã tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau, củ, quả an toàn, đảm bảo uy tín, chất lượng cao nhất, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Hiện tại, công ty có 130ha diện tích trồng rau, củ, quả sạch đạt tiêu chuẩn VietGap, cung cấp 12.00 tấn rau, củ, quả phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Năm 2017, doanh thu của công ty đạt trên 120 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động. Trong đó, doanh thu sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính đạt từ 1 đến 3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Từ khi chú trọng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng uy tín sản phẩm, tốc độ tăng trưởng bình quân của công ty đạt 20%/năm. Hiện nay, 70% sản phẩm của công ty được tiêu thụ qua hệ thống các chuỗi siêu thị nội địa, còn lại xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu, Singapore,…

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy đã tham gia dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp của tổ chức JICA. Đến tháng 8/2016, công ty được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn áp dụng mô hình trung tâm sau thu hoạch thí điểm, tiếp nhận hệ thống máy phân loại nông sản (cụ thể là cà chua) do Công ty Shibuya Seiki- Nhật Bản sản xuất, có công suất phân loại đạt 2,5 đến 3 tấn/giờ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế và bảo quản đã góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển thị trường, góp phần tạo thương hiệu cho nông sản Đà Lạt trên thị trường.

Đoàn tham quan ứng dụng công nghệ cao- dây chuyền phân loại cà chua của Công ty Nông sản Phong Thúy

Nếu như Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy là một trong những DN tiêu biểu đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đưa sản phẩm chinh phục người tiêu dùng Việt thì Công ty CP Thương mại Lâm Đồng lại có vai trò quan trọng trong phân phối, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Từ khi Lâm Đồng phát động thực hiện CVĐ, Công ty CP Thương mại Lâm Đồng đã được tín nhiệm gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam. Công ty cũng chú trọng chọn lựa, thu mua hàng Việt Nam uy tín, chất lượng, niêm yết rõ giá cả. Công ty cũng đã có kế hoạch trang bị cho nhân viên bán hàng hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hướng dẫn người tiêu dùng bảo quản hàng hóa…

Hoạt động của công ty thời gian qua đã góp phần bình ổn giá hàng hóa trên thị trường, bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng. Hiện nay, công ty đang tiếp tục tăng cường liên kết với các tỉnh tiêu thụ hàng đặc sản của các địa phương. Đồng thời có kế hoạch mở rộng các điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao lưu động trên địa bàn vùng sâu, vùng xa…

Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong triển khai CVĐ

Đó là 2 DN tiêu biểu, đã có nhiều thành tích trong triển khai CVĐ trong thời gian qua. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Lâm Đồng, CVĐ đã và đang được lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai thực hiện. Hàng năm, BCĐ tỉnh đều xây dựng kế hoạch hướng dẫn các thành viên, BCĐ CVĐ các huyện, thành phố và ban vận động ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện CVĐ. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh tổ chức gặp mặt DN trong và ngoài tỉnh đóng chân trên địa bàn để lắng nghe những khó khăn, nguyện vọng của DN. Từ đó triển khai các giải pháp cải cách thể chế chính sách, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các DN sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa trong nước và các sản phẩm của địa phương.

Đoàn tham quan thu hoạch rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGap của Công ty Nông sản Phong Thúy

Đặc biệt, BCĐ CVĐ còn phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền; tích cực thực hiện kiểm tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gắn với vận động các DN mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng… Chỉ tính riêng trong năm 2018, Sở Công Thương Lâm Đồng đã tổ chức 22 đợt bán hàng Việt về nông thôn, mỗi đợt thu hút 20 - 40 doanh nghiệp, hàng chục ngàn người đến tham quan, mua sắm, doanh thu từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/phiên chợ.

Các phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" đã góp phần tuyên truyền và tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận trực tiếp với hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ DN sản xuất trong nước nắm bắt nhu cầu tiêu dùng nông thôn, kết nối với nhà phân phối tại địa phương để hợp tác phân phối sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo từng thành viên đoàn kiểm tra Trung ương, phát huy vai trò hỗ trợ địa phương trong từng chính sách, chương trình cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế tồn đọng của địa phương. Đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy thành quả CVĐ ngày càng cao trên địa bàn tỉnh.

Về phía các DN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến khích Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy đẩy mạnh hoạt động bảo hộ cho hộ nông dân, người lao động, khuyến khích chiến lược ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Với Công ty CP Thương mại Lâm Đồng, Thứ trưởng đánh giá cao công tác hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng, bảo quản chất lượng hàng hóa, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tự bảo vệ mình trước nguy cơ tràn lan của hàng giả. Thứ trưởng lưu ý, các DN cần phát huy vai trò của mình cũng như thành tích đã đạt được để góp phần cùng địa phương nhân rộng hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt không chỉ đến người tiêu dùng trong tỉnh mà còn với lượng khách du lịch đông đảo đến với địa phương hàng năm.

Với vai trò là địa phương có thế mạnh về nông sản và du lịch, dịch vụ, Lâm Đồng hoàn toàn có khả năng phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mình để triển khai mạnh hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch.

Quỳnh Mỹ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-khoi-day-tiem-nang-phat-huy-the-manh-thuc-hien-thanh-cong-cuoc-van-dong-112988.html