Lâm Đồng: Phát triển cà phê đặc sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Xác định cà phê là cây công nghiệp trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều năm qua Lâm Đồng đã gây dựng và mở rộng đáng kể diện tích cây cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C. Để tiếp tục nâng cao giá trị cho loại cây trồng này, tỉnh đang thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu.

Lợi thế tuyệt đối

Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, hiện nay toàn tỉnh có 172.000ha, sản lượng đạt 515.000 tấn, trong đó diện tích cà phê chè (Arabica) khoảng 17.500ha, chiếm 10,2% tổng diện tích. Tuy là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích (sau Đắk Lắk), song cà phê Lâm Đồng có năng suất bình quân và sản lượng cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng có vùng sản xuất cà phê chè (Cầu Đất - Đà Lạt) được các tổ chức quốc tế đánh giá có chất lượng thuộc nhóm đầu trên thế giới; luôn được các tập đoàn cà phê đa quốc gia quan tâm như: UCC, Stabucks, Nestle, OLAM, ACOM... Hiện tại, giá trị ngành cà phê chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Triển vọng phát triển cà phê Arabica tại Lâm Đồng

Triển vọng phát triển cà phê Arabica tại Lâm Đồng

Ông Pham S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng: Phát triển cà phê đặc sản là xu thế tất yếu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà Lâm Đồng có lợi thế tuyệt đối. Vì vậy, căn cứ vào tiểu vùng sinh thái và yêu cầu kỹ thuật chia thành các vùng sản xuất và vùng chuyên canh cà phê để tập trung kỹ thuật.

Theo ông Pham S, bên cạnh nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận ngày 26/10/2009, tỉnh Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 3 nhãn hiệu độc quyền cho cà phê chè là “Cà phê Arabica Langbiang”; “Cà phê Cầu Đất - Đà Lạt” và thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành đối với cà phê Arabica.

Hiện nay, Lâm Đồng đang phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện: Di Linh 40.000ha, Lâm Hà 30.000ha, Bảo Lâm 20.000ha, Đức Trọng 10.000ha, TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương 4.000ha để hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Phát triển vùng sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest đạt 50-60% diện tích để cung cấp cà phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phát triển cà phê đặc sản bền vững

Với một ngành hàng có vùng nguyên liệu lớn, do đó chế biến sâu trong ngành cà phê được xem là kim chỉ nam để ngành cà phê có thể phát triển bền vững, tạo ra giá trị gia tăng tương xứng với quy mô của tỉnh và tầm nhìn dài hạn. Do đó, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới các cơ sở chế biến sâu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê hiện có, để đảm bảo năng lực chế biến được 90-95% sản lượng cà phê nhân của tỉnh và đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, cà phê phải sản xuất có chứng nhận, an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận trên toàn tỉnh đạt 76.000ha với sản lượng 310.000 tấn.

“Xác định là cây trồng chủ lực ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đầu tư khá toàn diện các công trình nghiên cứu khoa học từ khâu chọn tạo giống có năng suất cao, chất lượng tốt; xác định công thức bón phân hợp lý; biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp; kỹ thuật canh tác bền vững; hỗ trợ đổi mới công nghệ chế biến; đồng thời tỉnh chú trọng xây dựng và quảng bá các thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê trong và ngoài nước”, ông S chia sẻ.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đưa ra các giải pháp đột phá cho ngành hàng cà phê đến năm 2025, nhằm chủ động hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, với các giải pháp đồng bộ phát triển ngành hàng cà phê theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại mang tính đột phá trong thời kỳ mới, tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tiếp tục phát triển cà phê nói chung, cà phê đặc sản nói riêng, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập quốc tế. Qua đó, đặt ra nhiệm vụ tiến hành quản lý quy hoạch và phát triển cà phê giai đoạn 2021-2025 với quy mô sản xuất theo chiều sâu, để tập trung nâng cao năng suất và chất lượng.

“Nhà nước cân đối các nguồn vốn và yêu cầu cấp thiết, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của từng địa phương. Tiếp tục quảng bá các thương hiệu chỉ dẫn địa lý đã xây dựng trong và ngoài nước, nhằm quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê ở thị trường xuất khẩu; đặc biệt là cà phê đặc sản, cà phê siêu chất lượng và cà phê hữu cơ; xây dựng ngành hàng cà phê Lâm Đồng phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”, ông Phạm S nhấn mạnh.

Lâm Đồng sẽ tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển diện tích tự phát, ổn định diện tích cà phê đến năm 2025 vào khoảng 170.000ha, trong đó có khoảng 18-20% diện tích cà phê chè; nâng năng suất bình quân cà phê nhân toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 530.000 - 550.000 tấn/năm; tiếp tục giữ vững Lâm Đồng là tỉnh có năng suất và sản lượng cà phê cao nhất Việt Nam.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-phat-trien-ca-phe-dac-san-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-144097.html