Lâm Đồng: Trồng cây trong nhà kính có làm xấu và gây hại cho Đà Lạt?

Nói đến thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), nhiều người nói đến hoa và biệt thự, nhưng nhiều năm trở lại đây, nhắc nhớ đến Đà Lạt, lại thêm cụm từ 'nhà kính', bởi rất nhiều nơi của thành phố mộng mơ này đã phú kín một màu trắng của nhà kính.

Ánh sáng phản ra từ nhá kính về đêm ở Đà Lạt, trông như kiểu bị cháy. Ảnh: Huyền.

Ánh sáng phản ra từ nhá kính về đêm ở Đà Lạt, trông như kiểu bị cháy. Ảnh: Huyền.

Thành phố Đà Lạt ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, bao quanh Đà Lạt là rừng núi và nhiều loại cây thực vật tạo thành những thảm xanh ngút ngàn. Đà Lạt còn mang trong mình kiến trúc độc đáo của châu Âu, cùng với đó là hệ thống hoa, cây rừng, nên Đà Lạt có nhiều tên gọi khác: "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris"...

Được biết, thành phố Đà Lạt có một khí hậu miền núi ôn hòa dịu mát quanh năm, nên Đà Lạt là một “của riêng” khác hẳn các vùng miền trên cả nước. Ở đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, có sức hút không chỉ với du khách trong nước mà còn nhiều du khách nước ngoài.

Tuy vậy, hiện nay Đà Lạt đã không còn tự nhiên như xưa. Đà Lạt giờ đây không còn là một màu xanh ngút ngàn chen lẫn các màu hoa tự nhiên, mà xen vào đó là một màu trắng, gần như trắng đục phản ra từ các nhà kính trồng cây.

Bàn thân du khách ban đầu nhìn thấy lớp lang nhà kính cho là lạ, nhưng quan sát một lúc thì thấy khó chịu bởi nó chiếm một phần không gian Đà Lạt làm xấu đi vẻ đẹp tự nhiên, còn việc nó ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không thì đã có người lên tiếng.

Trong bài “Nhà kính trồng rau bao phủ Đà Lạt gây hệ lụy khôn lường” của tờ Báo Công an TPHCM dẫn lời TS.Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam: “Nhiều người nhầm lẫn việc làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nhà kính, nhà lưới, màng bọc nên tình trạng nhà kính phát triển tràn lan gây biến đổi khí hậu, hệ sinh thái TP.Đà Lạt. Nhà kính, về cơ bản chỉ có tác dụng với những vùng thổ nhưỡng khắc nghiệt...”.

Nhà kính nằm xen lẫn các ngôi biệt thự kiểu châu Âu gây phản cảm, làm xấu Đà Lạt. Ảnh: Huyền.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, còn cho biết: “Đà Lạt là vùng đất có khí hậu ôn đới, thổ nhưỡng lý tưởng, rất thích hợp trồng rau, hoa. Có thể trồng ngoài trời, thuận theo tự nhiên, sao phải trồng trong nhà kính?”.

Tờ báo này còn nhấn mạnh: Không chỉ phá vỡ cảnh quan, tình trạng nhà kính bao phủ còn khiến cho Đà Lạt chịu những tác động tiêu cực về biến đổi khí hậu, môi trường. Khoảng 4 năm trở lại đây, hầu hết tại 12 phường, TP.Đà Lạt và huyện Đơn Dương lân cận (cách TP.Đà Lạt khoảng 50-60km) xảy ra những trận lũ lụt kinh hoàng, thậm chí là những trận lụt lịch sử, nước ngập trên một số tuyến đường, khu dân cư cả mét. Cá biệt, có những căn nhà bị ngập sâu gần nóc nhà.

Lý giải về hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng, do tình trạng nhà kính dày đặc, những cơn mưa đổ xuống không thể trải đều trên mặt đất bởi vướng nhà kính nên sẽ đọng lại, trút về các mương, suối tạo nên những dòng chảy lớn ào ạt, đổ về vùng trũng. Hậu quả gây ra các trận ngập lụt kinh hoàng.

Nguồn tin từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cho biết: Nhà kính là công trình thường có cạnh và mái làm bằng kính (hoặc vật liệu tương tự) dùng để trồng rau quả để tránh tác động nhất thời của thời tiết như mưa to gió mạnh. Vì nhà kính có mái và tường bằng kính hoặc nhựa nên chúng có khả năng tự nóng lên do bức xạ nhìn thấy được của mặt trời khi đi qua lớp kính trong suốt bị hấp thụ bởi thực vật, đất đai và những thứ khác bên trong nhà kính.

Không khí được làm ấm bởi nhiệt từ những bề mặt nóng bên trong được giữ lại bởi mái nhà và những bức tường. Thêm vào đó, những cây cối và cấu trúc bên trong nhà kính sau khi được làm ấm lại bức xạ lần nữa nhiệt năng của chúng trong dải quang phổ hồng ngoại.

Do có thể điều chỉnh được nhiệt độ, cũng như việc tưới nước duy trì độ ẩm nhất định nên có thể quy định được khí hậu trong nhà kính. Khu vườn ngoài trời và trong nhà kính có lợi thế và bất lợi khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và yêu cầu cụ thể của người làm vườn. Cũng có những lợi thế và bất lợi cho các loại nhà kính được sử dụng.

Nhà kính thường được phân chia thành hai loại, nhà bằng kính và nhựa. Nhựa được sử dụng chủ yếu là polyetylen, polycarbonate hoặc PMMA poly(methyl methacrylate). Như vậy, trước ý kiến của chuyên gia, cũng như vật liệu sử dụng làm nhà kính, và thêm vào đó là vẻ khó chịu của du khách, phải chăng Đà Lạt nên có cái nhìn mới về việc trồng cây trong nhà kính?

Hà Huyền

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lam-dong-trong-cay-trong-nha-kinh-co-lam-xau-va-gay-hai-cho-da-lat-64560