Lạm dụng danh xưng 'nữ hoàng'

Khi báo chí, truyền thông gọi tên, định danh, gắn mác mỹ từ cho những người có thái độ, hành vi không mang lại giá trị tiến bộ, tốt đẹp cho xã hội, thì vô hình trung báo chí không chỉ làm ô nhiễm sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn cổ xúy cho thói kệch cỡm, lai căng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thẩm mỹ tiếp nhận của công chúng.

Có lẽ chưa khi nào mà báo chí, truyền thông, nhất là báo điện tử và truyền thông xã hội thời nay lại lạm dụng danh xưng “nữ hoàng” tràn lan, bất chấp đến như vậy. Nào là “nữ hoàng thị phi”, “nữ hoàng dao kéo”, “nữ hoàng nội y”, “nữ hoàng đạo lý”, “nữ hoàng văn học dân gian”, “nữ hoàng văn hóa tâm linh”...

Vậy, những “nữ hoàng” này là ai mà được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội như thế? Đó là một số “người của đám đông” (chứ đâu phải “người của công chúng”) thuộc giới showbiz mà trong số họ có người thì lắm tài nhiều tật, có kẻ chỉ ở mức “tài hèn đức mọn” nhưng lại quá nhiều chiêu trò vô duyên, phản cảm.

Có cô siêu mẫu khi nói năng, phát ngôn thì hầu như lúc nào cũng dùng câu từ đỏng đảnh, lời lẽ đánh đá, chua ngoa, thậm chí “trâng trâng tráo tráo” - bất chấp dư luận xã hội, bỏ ngoài tai mọi sự mỉa mai của thiên hạ. Từ đó cái tên “nữ hoàng thị phi” ra đời!

Có cô gái tầm mức hiểu biết thuộc loại “ao làng”, bỗng dưng đổi đời nhờ vào lợi thế ngoại hình “ăn ảnh”, nhất là những tấm ảnh chụp “thừa da, thiếu vải” khiến khán giả không khỏi nhiều phen “đỏ mặt”. Lại được mấy ông bầu dùng đủ chiêu trò đánh bóng, lăng xê, thế là cô nàng được gắn mác “nữ hoàng nội y” và ngày càng nổi như cồn trên các trang báo điện tử và mạng xã hội!

Có cô hoa hậu trình độ văn hóa bình thường, song nhờ lợi khẩu, hoạt ngôn và tận dụng chút tên tuổi từ một cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài, trên các gameshow truyền hình khi “mở miệng” ra là cô ta nói đạo đức, triết lý y như là người đi rao giảng, khai sáng “chân-thiện-mỹ” cho người khác, nhất là những đàn em trong giới giải trí. Cô được xứng tên “nữ hoàng đạo lý”!

Có cô gái chỉ sở hữu nhan sắc tầm thường, nhưng vì muốn nổi danh, muốn thu hút sự tò mò của thiên hạ nên rất chịu khó đến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ để “trùng tu” nhan sắc, “cải tạo” từ má đến môi, “sửa chữa, nâng cấp” từ ngực lên mũi. Vẫn biết làm đẹp là nhu cầu của phụ nữ, nhưng cô này lại ghiền phẫu thuật thẩm mỹ quá mức bình thường, thế là được định danh “nữ hoàng dao kéo”!

Theo nghĩa gốc, từ “nữ hoàng” để chỉ một người phụ nữ làm hoàng đế cai trị một đế quốc. Ở nghĩa rộng hơn, “nữ hoàng” được hiểu là người có quyền lực tối cao hay có khả năng nổi bật, năng lực xuất chúng về một lĩnh vực hay một mặt nào đó. Vì thế, những người được gắn, trao danh hiệu “nữ hoàng” phải thực sự tài năng, đức độ và có nhiều đóng góp, cống hiến cho xã hội, thì mới xứng đáng với danh hiệu tốt đẹp này.

Từ “nữ hoàng” mang ý nghĩa cao cả như vậy, nhưng không hiểu tại sao mà báo chí lại gắn danh từ này với các biểu hiện hành vi/việc làm không bao hàm nghĩa tích cực, thậm chí là phản cảm?

Theo nhận định của một chuyên gia văn hóa, khi báo chí gọi tên, định danh, gắn mác mỹ từ cho những người có thái độ, hành vi không mang lại giá trị tiến bộ, tốt đẹp cho xã hội, thì vô hình trung báo chí không chỉ làm ô nhiễm sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn cổ xúy cho thói kệch cỡm, lai căng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thẩm mỹ tiếp nhận của công chúng. Mặt khác, khi báo chí liên tục đề cập đến những danh xưng được khoác một cái vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài mà không phản ánh/thể hiện đúng bản chất bên trong của đối tượng, thì còn tạo ra sự nhiễu loạn, bát nháo danh xưng và làm vẩn đục môi trường văn hóa xã hội./.

PHÚC NỘI

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/noi-dung-viet-dung/lam-dung-danh-xung-nu-hoang-143411