Lạm dụng truyền dịch, mất mạng như chơi

Truyền dịch nếu không làm đúng chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dẫn đến tai biến sốc phản vệ, nặng hơn có thể tử vong.

Truyền dịch cho khỏe không ngờ rước họa vào thân

Mới đây nhất, vào tối 7-4, một phụ nữ 35 tuổi do cảm thấy mệt mỏi nên đã đến phòng khám tư Kết Châu (Thanh Xuân, Hà Nội) để truyền nước.

Sau khi được truyền một chai nước muối Natri Clorit và truyền tiếp một chai đạm Alvesin, 10 phút sau người phụ nữ có biểu hiện sốc, tím tái. Bác sĩ đã rút dây truyền, thực hiện cấp cứu theo phác đồ và gọi xe cấp cứu 115. Tuy nhiên người phụ nữ đã tử vong vào lúc 20 giờ 30.

Nạn nhân được xác định tên PTH (35 tuổi), làm công nhân may, sinh sống ở khu vực Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu do ông Dương Văn Kết - bác sĩ chuyên khoa cấp I Nội phụ trách chuyên môn.

Ngày 8-4, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã ký có quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh phòng khám này để phục vụ công tác điều tra và xác minh của cơ quan công an.

Nhiều trường hợp tự ý truyền dịch tại nhà đã bị sốc phản vệ, dẫn tới tử vong. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào ngày 27-9-2018, bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận bệnh nhân VTM (56 tuổi, ngụ Hải Dương) trong tình trạng sốc phản vệ độ 3, tiên lượng nặng.

Gia đình cho biết bà M vốn hay đau ốm nên mỗi khi thấy mệt bà lại tự truyền dịch tại nhà. Những lần truyền dịch trước đó không vấn đề gì, tuy nhiên lần này không hiểu sao xảy ra sự cố.

Các bác sĩ đã phải tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân theo phác đồ xử trí sốc phản vệ, thở ô xy và truyền dịch. Hai ngày sau nhập viện, sức khỏe của bà M. mới ổn định.

Cũng trong tháng 9-2018, khoa Hồi sức tích cực-Chống độc BV Thống Nhất (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân VTTT (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng hôn mê.

Khai thác bệnh sử bệnh nhân cho thấy bệnh nhân có tiền sử hẹp van hai lá, rung nhĩ, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, phải nằm một chỗ ba năm nay. Ba ngày trước bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy, nôn nói nên mời bác sĩ về truyền dịch tại nhà. Trưa cùng ngày bệnh nhân lên cơn khó thở nên được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân bị hẹp khít van hai lá, huyết khối buồng nhĩ trái, suy tim, di chứng tai biến mạch máu não. Sau bốn ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, tình trạng không cải thiện nên được người nhà xin cho về lo hậu sự.

Một trường hợp khác xảy ra tại Thanh Hóa là của ông CĐT (43 tuổi). Ngày 19-8-2014, do cảm thấy mệt mỏi nên ông T. đến một phòng khám tư gần nhà truyền nước. Sau khi truyền hai chai nước, ông rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong sau đó 20 phút.

Đại diện Sở y tế Thanh Hóa sau đó cho biết ông T. tử vong do sốc phản vệ trong quá trình truyền nước. Kết quả giải phẫu tử thi cũng cho thấy trong phổi nạn nhân có rất nhiều nước.

Những loại tai biến có thể xảy ra khi truyền dịch

Truyền dịch cũng như các liệu pháp khác, đều có thể gây tai biến với một tỉ lệ nhất định. Trong đó sốc phản vệ là nguy hiểm nhất, nó có thể xảy ra ngay khi vừa truyền dịch. Biểu hiện là khó thở, tức ngực, vật vã, tím tái, mạch nhanh, tụt huyết áp. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ tử vong.

Truyền dịch không đúng cách có thể gặp nhiều tai biến khó lường. (Ảnh minh họa)

Loại tai biến ít gặp hơn là phù phổi cấp do truyền một lượng dịch quá nhiều hoặc truyền với tốc độ quá nhanh. Kết quả là dịch thoát vào phổi, ứ tại đây gây suy hô hấp. Biểu hiện sớm của tai biến này là mạch nhanh, tức ngực, khó thở. Muộn hơn là khó thở dữ dội, tím môi và đầu chi, ho, khạc ra bọt hồng…

Tai biến thứ ba là những biểu hiện dị ứng. Tuy nhiên chúng rất dễ phát hiện khi người được truyền dịch cảm thấy nổi mẩn ngứa, người bứt rứt khó chịu và thường do các thành phần trong dịch truyền hoặc do thuốc pha trong dịch truyền gây nên.

Truyền dịch cũng có thể gây nhiễm khuẩn tại chỗ đặt kim truyền hoặc nhiễm khuẩn toàn thân, thậm chí nhiễm khuẩn huyết hết sức nguy hiểm.

Những ai cần truyền dịch?

“Không phải người nào khi bị bệnh cũng cần truyền dịch”, TS, BS Vũ Đức Định khẳng định như vậy trên Sức khỏe đời sống.

Theo BS Định, truyền dịch chỉ áp dụng cho những trường hợp như bệnh nhân mất nước cấp tính không thể bù được lượng dịch bằng đường uống. Những người ăn uống kém, suy kiệt, người không thể ăn được trong những ngày đầu sau phẫu thuật ống tiêu hóa… cần phải được truyền dịch để nuôi dưỡng cơ thể. Mục đích tiếp theo của truyền dịch là truyền dịch có pha thuốc để truyền các loại kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, nâng huyết áp…

Theo các bác sĩ, khi truyền dịch nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà do không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc cũng như phương tiện cấp cứu chống sốc. Kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện, được tiến hành tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.

G.THANH (tổng hợp)

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/lam-dung-truyen-dich-mat-mang-nhu-choi-827401.html