Làm đường

Bà Xuyên đang đứng ở hàng thịt thì có cuộc điện thoại đến của một thương lái: 'A lô, bà sắp xếp người đi chặt 3 sào cải bắp cho tôi nhé, chuyển rau ra bãi tập kết ở đầu làng'.

Sau cuộc điện thoại, bà Xuyên vội vã trả tiền thịt rồi đạp xe về nhà, miệng than thở: "Lại mất tiền triệu thuê người gánh rau rồi, ruộng xa mà đường chưa được đổ bê tông, gấp thế này liệu có tìm được người không đây?".

Thế rồi bà Xuyên cũng thuê được 4 người thu hoạch và gánh rau, trong đó có bà Cải ở xã bên. Người chặt, người xếp, người gánh rồi cho lên xe ba gác kéo bộ ra điểm tập kết. Ai cũng thấm mệt. Bà Xuyên thở dài:

- Bán một sào rau sau khi trừ giống, vốn, phân bón, lại thêm cả tiền thuê người gánh rau nữa thì chẳng còn lời lãi bao nhiêu.

Bà Cải nhanh nhảu:

- Sao ở đây chưa đổ bê tông đường ra khu trồng rau nhỉ? Chặt hàng tấn rau, cứ gánh gồng thế này mất cả ngày, tốn cả công sức và thời gian. Như ở cánh đồng trồng hành xã tôi mới làm xong 15 km đường bê tông rộng đến 3,5 m, lại có cả đường thoát nước đi kèm. Việc chăm sóc và vận chuyển hành thuận lợi hơn hẳn.

- Mấy năm trước xã cũng vận động người dân bê tông hóa đường ra đồng nhưng lúc ấy tôi và một số người thấy không cần thiết vì trồng rau được mấy đồng, lãi đâu mà lại mất tiền đóng góp. Nhưng giờ tôi thấy không có đường bê tông là vất vả rồi.

- Đấy, giá như làm đường bê tông rồi thì bây giờ xe vào tận ruộng chở rau đi, bà không phải mất tiền thuê 4 người gánh, chắc chỉ thuê thêm 1 người là đủ. Đi lại, chăm bón rau cũng dễ dàng hơn. Làm nông nghiệp phải ngày càng hiện đại thì nông dân mới nhàn và có thu nhập tốt hơn. Bà nên vận động mọi người ủng hộ, đóng góp để làm đường bê tông...

Bà Xuyên gật đầu:

- Vâng, sắp tới tôi sẽ đề nghị với lãnh đạo thôn việc này.

PHẠM TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/lam-duong-189687