Làm đường cho trung tâm thương mại: 'Xẻ thịt' cho NĐT ngoại?

Hải Phòng đã cam kết với nhà đầu tư ngoại nhưng chuyên gia cho rằng phải đặt lợi ích của thành phố, người dân lên hàng đầu.

Bàn tiếp về đề xuất của UBND TP Hải Phòng xin được áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường xung quanh trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Phòng, một số ý kiến đều cho rằng Hải Phòng đang rơi vào thế bí nhưng điều quan trọng là phải lấy lợi ích của người dân, của đất nước làm đầu và là căn cứ để thực hiện cam kết với nhà đầu tư.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho rằng, đã có một thời kỳ Việt Nam ưu tiên, ưu đãi bằng bất cứ giá nào cho các nhà đầu tư ngoại trong tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực sản xuất, chế biến hay phân phối. Hệ quả là Việt Nam đã rước phải một số nhà đầu tư không đủ năng lực hoặc có những nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn nhưng để lại hậu quả xấu, lâu dài cho nền kinh tế đất nước. Đây là điều cần phải ngăn chặn.

Tuy nhiên, phải xác định rõ rằng, đối với các nhà đầu tư ngoại làm ăn chân chính Việt Nam vẫn tiếp tục ưu đãi, cả về cơ chế, cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước... Đó là những ưu đãi cần thiết, thể hiện thiện chí của Việt Nam đối với các nhà đầu tư làm ăn chân chính.

"Vấn đề ở đây là ưu đãi mức nào thì vừa phải? Nó nằm ở chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương, nhất là khi nguồn vốn của chúng ta không thể cùng một lúc đáp ứng được nhiều nhà đầu tư ngoại, kể cả nhà đầu tư ngoại lẫn nhà đầu tư nội là giống nhau.

Vì vậy, cần phải xem xét cụ thể từng dự án. Còn về nguyên tắc, như nói ở trên, những nhà đầu tư ngoại làm ăn chân chính thì cần phải có hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt chính quyền đã cam kết với họ rồi, thực hiện như thế nào thì phải cân nhắc các nguồn lực của địa phương", PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.

Việc ưu đãi cho nhà đầu tư ngoại phải dựa trên lợi ích của người dân và đất nước. Ảnh minh họa

Việc ưu đãi cho nhà đầu tư ngoại phải dựa trên lợi ích của người dân và đất nước. Ảnh minh họa

Vị chuyên gia cũng cho rằng Hải Phòng đang bị cuống bởi nếu không nhanh sẽ bị các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... vượt mặt, thu hút hết vốn đầu tư.

"Đã có một thời Hải Phòng ngủ yên trên lợi thế về cảng và tưởng như thế là ăn đứt các địa phương khác. Nhưng bây giờ, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra rất nhiều khả năng khác nhau để các tỉnh vượt lên, nếu ai chậm chân thì bị những nơi khác cướp mất thời cơ", ông nhận xét.

Cũng cho ý kiến về đề xuất của UBND TP Hải Phòng, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, ở đây cần phân biệt hai việc: thứ nhất, nhà đầu tư ngoại vào Hải Phòng mở trung tâm thương mại và việc này luật pháp đã có quy định rõ ràng, Hải Phòng cứ theo luật mà làm, muốn thêm ưu đãi hay bớt ưu đãi cũng không được.

Thứ hai, TP cam kết làm đường ở xung quanh trung tâm thương mại. Trước đây, Hải Phòng dự định làm theo hình thức BT nhưng do vướng mắc về quy định, thành phố phải tìm phương thức khác, gắn cái này với nhà đầu tư bán lẻ là không nên.

"Việc làm đường phải là một dự án độc lập và Hải Phòng có thể kiến nghị Chính phủ cho thí điểm làm theo hình thức BT hoặc một phương thức đầu tư nào khác. Vấn đề như tôi nói là phải tách rời 2 dự án, còn nhập nhèm rồi đầu tư đơn, đầu tư kép cho nhà đầu tư ngoại thì không được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cũng lưu ý, đối với lĩnh vực bán lẻ, ở thời điểm này Việt Nam không khuyến khích mở cửa để thu hút mạnh mẽ như trước đây nữa. Một thời gian dài Việt Nam đã thu hút nhiều và khi nhà đầu tư ngoại vào, lợi dụng sự háo hức của các địa phương mở liên tiếp hàng loạt điểm bán lẻ, cuối cùng họ bán rồi cầm tiền ra đi.

"Ở ta, địa phương được giao quyền tự quyết, mà địa phương nào cũng muốn mình có nhiều dự án đầu tư, cuối cùng mở rộng ưu đãi nọ kia cho nhà đầu tư nước ngoài mở các điểm bán lẻ, mỗi nhà đầu tư lập mấy chục cơ sở rồi bán cái.

Nhiều địa phương "xẻ thịt" cho nhà đầu tư ngoại ăn khi ưu đãi đến cạn kiệt tài nguyên vì nhà đầu tư. Chúng ta chưa lật ra được vụ án nào nhưng từ xưa đến nay, dư luận vẫn rì rầm về chuyện có lại quả trong các cam kết với nhà đầu tư ngoại, không chỉ các dự án bán lẻ mà các dự án thuộc lĩnh vực khác cũng vậy.

Còn nhà đầu tư ngoại biến Việt Nam thành chỗ để kiếm lợi, họ phục vụ được gì cho nền kinh tế, dân sinh hay xã hội của Việt Nam?", PGS.TS Nguyễn Văn Nam đặt câu hỏi.

Vì lẽ đó, vị chuyên gia cho rằng, ở thời điểm này, các địa phương phải thận trọng hơn khi thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư bắt buộc phải cam kết làm ăn lâu dài.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lam-duong-cho-trung-tam-thuong-mai-xe-thit-cho-ndt-ngoai-3380222/