Làm đường trên đất dự án ma: Làm đêm nên không biết?

Nhiều con đường nhựa dài hàng km làm trên đất nông nghiệp ở Bình Thuận để bán đất nền nhưng chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Ngày 18/10, ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, Bình Thuận cho biết, đơn vị đang lên kế hoạch cưỡng chế 4 con đường dài khoảng 2km được xây dựng trên đất nông nghiệp trái phép.

Các con đường này xuất hiện từ khoảng 5 tháng nay. Hàng ngày có nhiều người được môi giới bất động sản dẫn tới các khu đất ven những con đường này để quảng cáo, mời mua đất nền ở hai bên.

Theo ông Hận, mục đích của người làm những con đường này là tạo ra các dự án ma để bán đất nền cho người dân. Các khu đất ở ven những con đường này chủ yếu là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay có chủ trương thực dự các dự án bất động sản.

Một con đường nhựa trái phép trên khu đất nông nghiệp ở xã Thiện Nghiệp (Ảnh VNE).

Một con đường nhựa trái phép trên khu đất nông nghiệp ở xã Thiện Nghiệp (Ảnh VNE).

Điều này xuất hiện từ khi có dự án sân bay Phan Thiết được thông qua đã tạo ra cơn sốt đất ở xã Thiện Nghiệp.

"Các con đường này thường được chủ đất hoặc người nhận ủy quyền của chủ đất xây dựng vào ban đêm nên cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện. Đến khi biết được thì các con đường đã được đổ xong, khó xử lý" - ông Hận cho hay.

Phương pháp xử lý duy nhất cho tới thời điểm hiện tại mà ông Hận cho hay là hiện UBND xã Thiện Nghiệp đã lập biên bản, ghi nhận bốn cá nhân ngoài địa phương làm đường trái phép, gồm bà Trần Thị Yến làm đường 640 m, rộng 7 m; bà Đặng Thị Mỹ Hạnh làm tuyến 475 m, rộng 6 m; ông Đặng Hồng Phong làm tuyến 705 m, rộng 5 m; bà Trần Thị Ngọc Huệ làm tuyến 115 m, rộng 6,8 m.

"Trong tháng này, nếu họ không tự khắc phục, chúng tôi sẽ cưỡng chế", ông Hận nói và khuyến cáo người dân muốn đầu tư đất cần phải xem giấy tờ pháp lý rõ ràng và hiện tại địa phương chưa có dự án khu dân cư nào được cấp phép.

Nói về sự việc trên, luật sư Võ Đan Mạch - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các chủ khu đất có thể làm con đường dài hàng km mà không bị xử lý.

"Thứ nhất, xuất phát từ chiêu thức khôn khéo, dùng những lời hứa hẹn đầy mật ngọt để dụ dỗ, lôi kéo người dân thông qua Hợp đồng góp vốn như của Alibaba.

Thứ hai, xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, không tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời, thường xuyên mà cứ để các sai phạm diễn ra liên tục.

Thứ ba, xuất phát từ sự thiếu nghiêm minh, cứng rắn trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm. Điều này đã làm cho những kẻ xem nhẹ pháp luật, coi thường quyền lợi của người dân ngày càng lộng hành.

Hơn nữa, khi đã xác định rõ đó là các dự án lừa đảo thì lúc này, một bộ phận lực lượng chức năng còn có dấu hiệu bỏ mặc cho các sai phạm cứ xảy ra, cứ "ngâm" vụ việc từ năm này qua năm khác mà không giải quyết cho dứt điểm, và dần dần các dự án cứ thể vươn vòi ra xa hơn" - Luật sư Võ Đan Mạch bày tỏ quan điểm.

Vân Long

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/bao-ve-nguoi-mua-nha/lam-duong-tren-dat-du-an-ma-lam-dem-nen-khong-biet-3389733/