Làm đường xâm hại Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên với hàng chục nghìn ha rừng đặc dụng, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có di tích lịch sử - khảo cổ đặc biệt nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, khu bảo tồn này lại bị xâm hại bởi công trình dân dụng. UBND tỉnh Thái Nguyên đang chỉ đạo kiểm tra, xử lý sai phạm.

Tuyến đường vào xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa xâm hại KBT Thần Sa - Phượng Hoàng.

Đặc biệt, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng (KBT Thần Sa - Phượng Hoàng) có Di tích khảo cổ thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa, được coi là cái nôi của người Việt cổ.

Vùng quy hoạch KBT Thần Sa- Phượng Hoàng xen kẹp một số xóm, bản có người dân sinh sống lâu đời, có mỏ khoáng sản đang khai thác nên đã và đang có tác động tiêu cực đến bảo tồn thiên nhiên, sinh cảnh KBT. Đặc biệt, công trình đường giao thông nông thôn xây dựng thời gian vừa qua đã xâm hại KBT, khiến dư luận trên địa bàn rất quan tâm.

Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp (CTCP Đầu tư xây dựng và Khoáng sản Thăng Long) đang khai thác khoáng sản trên địa bàn, năm 2015, chính quyền địa phương đã xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê-tông dài 1,8km vào xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa đi qua KBT.

Đo đạc thực tế cho thấy, chiều dài tuyến đường xây dựng trên diện tích đất rừng đặc dụng là hơn 1,1km (tương đương 3ha); còn lại là đi qua đất rừng sản xuất và đất khác.

Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, Dương Văn Tiến giải thích: “Việc xây dựng tuyến đường vào xóm Xuyên Sơn có 92 hộ dân với gần 400 nhân khẩu là rất cần thiết và chính quyền địa phương đã có quy hoạch xây dựng. Mặc dù đi qua KBT, nhưng tuyến đường giao thông nông thôn xây dựng trên lối mòn cũ, hai bên không có cây rừng mà chỉ là cây bụi, cỏ dại. Tuy vậy, việc làm đường giao thông trên diện tích đất rừng đặc dụng khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng là sai”.

“KBT Thần Sa - Phượng Hoàng đang đứng trước thách thức lớn, đó là thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Cụ thể, hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống xen kẹp trong vùng quy hoạch KBT cần sự đầu tư hạ tầng của Nhà nước để cải thiện đời sống, bản thân các hộ dân cần phát triển sản xuất, chăn nuôi, đi lại để phát triển kinh tế gia đình... Tất cả các hoạt động đó đều tác tác động tiêu cực đến KBT Thần Sa - Phượng Hoàng. Trong khi đó, việc di chuyển hàng trăm hộ dân đã sinh sống lâu đời ra khỏi vùng quy hoạch KBT là không thể. Bản thân quy hoạch KBT cũng bộc lộ bất cập”, ông Dương Văn Tiến trần tình.

Trên thực tế, tuyến đường vào xóm Xuyên Sơn không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế của nhân dân địa phương, mà còn phục vụ nhu cầu khai thác khoáng sản của CTCP Đầu tư xây dựng và Khoáng sản Thăng Long đang hoạt động tại đây.

Tuyến đường được đổ bê-tông trùm lên diện tích đất rừng đặc dụng dù không có cây rừng, chỉ có cây bụi, cỏ dại với diện tích hơn 3ha nhưng đây là diện tích phục hồi sinh thái nên thực chất là sự xâm hại KBT. Một số công trình tâm linh, công trình dân dụng được xây dựng thời gian vừa qua với nhiều mục đích khác nhau cũng có biểu hiện xâm hại KBT.

UBND tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND huyện Võ Nhai kiểm tra, đánh giá tính chất, mức độ, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng KBT Thần Sa - Phượng Hoàng bị xâm hại.

Đồng thời, nghiên cứu giải pháp khả thi, hợp lý nhất để vừa bảo vệ hệ động, thực vật, sinh cảnh KBT, vừa phục vụ nhu cầu cải thiện, phát triển đời sống nhân dân địa phương.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37605602-lam-duong-xam-hai-khu-bao-ton-than-sa-phuong-hoang.html