Làm gì để bảo mật thông tin cá nhân?

Chuyên gia tội phạm học khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân một cách tùy tiện, chỉ kê khai với những đối tác được đánh giá tín nhiệm.

Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan đang vào cuộc xác minh thông tin một tài khoản rao bán gói dữ liệu 17 GB chứa thông tin cá nhân, trong đó có ảnh chụp hàng nghìn CMND được cho là của công dân Việt Nam.

Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ tùy thân. Vậy người dân cần làm gì để không bị “đánh cắp” những thông tin này?

Những lý do khiến thông tin bị lộ lọt

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an, cho biết trên thực tế, 80% nguyên nhân khiến dữ liệu cá nhân bị lộ lọt xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng.

Hầu hết thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, trường học, nơi làm việc, chỗ ở... được kê khai trên tài khoản mạng xã hội như Facebook, YouTube hay Instagram và để ở chế độ mở.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng mạng xã hội “chăm” cập nhật hoạt động trong ngày của mình lên mạng. Điều đó cho phép ai cũng có thể thu thập được thông tin của họ.

 Ảnh chụp 2 mặt CMND được rao bán. Ảnh: T.A.

Ảnh chụp 2 mặt CMND được rao bán. Ảnh: T.A.

Theo trung tá Hiếu, thời gian sử dụng mạng xã hội càng lâu thì thông tin để vẽ lại chân dung của người dùng càng rõ ràng. Những đơn vị vận hành mạng xã hội có thể thu thập được một lượng cơ sở dữ liệu rất lớn qua từng ngày, từng giờ.

Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay khiến các thông tin thu thập từ người dùng được xử lý, tạo nên những trường dữ liệu mà các đơn vị vận hành có thể bán thông tin cho người cần mua.

Trung tá Đào Trung Hiếu chỉ ra một số dịch vụ yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ tùy thân như CMND hay thẻ căn cước công dân, như ứng dụng đặt phòng khách sạn, đăng ký bán hàng trực tuyến, mở tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, tham gia sàn giao dịch trên mạng hay dịch vụ cho vay trực tuyến, dịch vụ tài khoản tiền mã hóa, thậm chí là truy cập wifi miễn phí…

“Nếu các dữ liệu này bị tin tặc tấn công hoặc do chính người trong nội bộ các đơn vị đó bán ra thì thông tin cá nhân của nhiều người sẽ bị rao bán”, ông Hiếu lo ngại.

Cảnh giác với chiêu lừa đánh cắp thông tin

Để phòng ngừa lộ lọt dữ liệu cá nhân, chuyên gia tội phạm học cho rằng mỗi người dân cần có ý thức bảo mật thông tin như số như CMND, thẻ căn cước, số điện thoại, email, địa chỉ nơi cư trú và nơi làm việc.

“Tuyệt đối không công khai trên mạng xã hội những thông tin cơ mật này”, ông Hiếu khuyến cáo.

Trung tá Hiếu khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng chưa được đánh giá tín nhiệm. Ảnh: Hoàng Lam.

Ngoài ra, khi ai đó yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân qua gọi điện thoại, tin nhắn và thư điện tử mà xưng danh ngân hàng, bưu điện, công an hay viện kiểm sát, mọi người nên cân nhắc thận trọng.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa biết rõ về tổ chức yêu cầu việc này và mục đích của việc cung cấp đó. Theo trung tá Đào Trung Hiếu, chỉ thực hiện khi cảm thấy cần thiết, người dân mới cung cấp thông tin cho những đối tượng đã xác định là an toàn.

Bên cạnh đó, người dân cần tính toán trước các kịch bản lừa đảo mạo danh có thể xảy ra nếu ai đó hỏi thông tin cá nhân. Đặc biệt, chỉ nên sử dụng dịch vụ của các tổ chức uy tín, không cung cấp thông tin cá nhân cho dịch vụ của các tổ chức chưa được đánh giá tín nhiệm, như hệ thống ứng dụng cho vay, tiền mã hóa.

Ngày 18/5, Bộ Công an khởi tố vợ chồng Dư Anh Quý (33 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) và Lại Thị Phương (29 tuổi, Giám đốc Công ty VNIT Tech) về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Theo điều tra, các bị can cùng một số người liên quan đã thu thập, chiếm đoạt, mua bán, sử dụng trái phép gần 1.300 GB dữ liệu chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Thông tin bị mua bán là của khách hàng điện lực, ngân hàng, nhân sự cơ quan Nhà nước, bảo hiểm, hộ khẩu, thuê bao điện thoại, chứng khoán...

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-gi-de-bao-mat-thong-tin-ca-nhan-post1216592.html