Làm gì để doanh nghiệp Việt hết 'cô đơn'?

Khi doanh nghiệp thật sự lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng thì chắc chắn nỗi 'cô đơn' sẽ không còn đáng ngại.

Chia sẻ mới đây về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc có đề cập tới tình trạng "cô đơn" của đa phần doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay siêu nhỏ, chiếm tỷ lệ tới hơn 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho rằng, cần đưa các hộ kinh doanh vào thiết chế của luật, bởi theo ông, nếu không bổ sung hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp của Việt Nam chắc chắn thua xa nhiều nước trong khu vực. Mặt khác, việc đưa các hộ kinh doanh vào luật cũng được cho là sẽ giúp làm gia tăng sự minh bạch, giảm sự nhũng nhiễu, áp lực hành chính... giúp doanh nghiệp có thể lớn lên.

Không nên ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Ảnh: Baohaugiang

Không nên ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Ảnh: Baohaugiang

Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Đức Quyết - nguyên Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh chia sẻ với những trăn trở của ông Vũ Tiến Lộc và cho rằng "sức khỏe" của doanh nghiệp là cách phản ánh về "sức khỏe" của nền kinh tế. Vì thế, giúp doanh nghiệp lớn lên cũng chính là giúp nền kinh tế lớn mạnh, phát triển vững vàng hơn.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp cần phải được phản ánh một cách đầy đủ bao gồm: phải lớn cả về quy mô giá trị, quy mô sản phẩm, về khả năng đóng thuế.... Nói cách khác, sự lớn mạnh của doanh nghiệp phải phụ thuộc vào "sức khỏe", năng lực tài chính, trình độ quản trị chứ không chỉ dựa vào quy mô số lượng nhiều hay ít.

Theo ông Quyết, trong số hơn 5 triệu hộ kinh doanh, có rất nhiều hộ có quy mô hoạt động lớn, có thu nhập tốt, có trình độ quản trị tốt, số này nên tạo điều kiện, đưa ra lộ trình để họ tự nguyện thành doanh nghiệp.

Cũng có không ít những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí kinh doanh theo mùa vụ, nếu đưa số này thành doanh nghiệp họ sẽ chịu áp lực rất lớn bởi các quy định về kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ... như doanh nghiệp, như vậy là làm khó họ, làm họ nhụt chí rồi lại đi vào hoạt động ngầm, lại trốn thuế, lậu thuế, rất khó quản lý. Vì thế, một mặt phải tạo cơ chế, khuyến khích những hộ kinh doanh quy mô lớn, có năng lực thực sự, có điều kiện phát triển tốt tự nguyện xin lên doanh nghiệp, mặt khác vẫn phải duy trì kinh tế hộ, rồi từng bước nâng cấp, xóa dần khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động và quản lý.

Nên nhớ, nếu các cơ chế thuận lợi, thật sự khuyến khích, giúp cho doanh nghiệp phát triển thì bản thân các hộ kinh doanh khi có năng lực thực sự, có nhu cầu phát triển họ sẽ có mong muốn, tự nguyện xin lên doanh nghiệp.

Đó mới là giúp doanh nghiệp lớn mạnh thực sự, khi doanh nghiệp thật sự lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng thì chắc chắn nỗi "cô đơn" sẽ không còn đáng ngại.

Ngược lại, nếu chỉ vì mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 hoặc chỉ vì lo sợ quy mô doanh nghiệp của Việt Nam không so sánh được với các nước mà ép các hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp một cách khiên cưỡng chưa phải là cách tiếp cận hiệu quả nhất. Như đã nói, nếu gượng ép, đưa ra một quá trình phát triển không đúng quy luật, không đủ thời gian để doanh nghiệp tích tụ, tích lũy cũng sẽ không thể lớn được, khi đó hộ kinh doanh có thành doanh nghiệp cũng phải xin ra.

Từ cách nhìn nhận trên, ông Quyết cho rằng từ kinh tế hộ muốn phát triển lên thành doanh nghiệp thì vấn đề chính sách rất quan trọng.

Thứ nhất, quy định của pháp luật phải rõ ràng, thậm chí có thể cụ thể tới từng tiêu chí về quy mô như thế nào? Thu nhập ra sao...? thì hộ kinh doanh sẽ phải thành doanh nghiệp. Quy định càng rõ càng tránh được những nguy cơ lách luật, né luật; tình trạng hộ kinh doanh quy mô lớn, thu nhập cao muốn tránh thành doanh nghiệp để trốn thuế, lậu thuế cũng không còn nữa.

Thứ hai, không hoàn toàn buông lỏng để hộ kinh doanh muốn làm gì thì làm mà cần quản lý theo cơ chế phù hợp. Các cơ chế, chính sách phải hướng tới sự minh bạch, rõ ràng, cơ chế, quy định phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ thở, dễ sống như hộ kinh doanh, chứ không phải đưa lên doanh nghiệp để đưa vào vòng "kiềm tỏa", nhằm kiểm soát, thu thuế.

Nói như vậy thì tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách, thanh tra, kiểm tra cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu những thủ tục rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, cản trợ sự phát triển của doanh nghiệp. Khi nhận thấy môi trường dễ thở, doanh nghiệp được bảo vệ, tạo điều kiện phát triển thì không cần khuyến khích cũng có thêm nhiều doanh nghiệp.

"Muốn có được nhiều doanh nghiệp khởi tạo, thì phải nuôi dưỡng được kinh tế hộ phát triển trước đã", ông Quyết nói.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/lam-gi-de-doanh-nghiep-viet-het-co-don-3394503/