Làm gì để đủ điện cho năm 2020?

Năm 2020 được dự báo có nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện.

Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống điện hầu như không có nguồn dự phòng; mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn, một số công trình điện trọng điểm chậm tiến độ; năng lượng tái tạo mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện để phát triển bùng nổ…

Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có những tính toán linh hoạt, nhằm bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

 Năm 2020 dự báo sẽ phải huy động tới gần 3,4 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao.

Năm 2020 dự báo sẽ phải huy động tới gần 3,4 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao.

Nguồn cung tiếp tục gặp khó

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 là ổn định, bảo đảm đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển KT-XH cũng như các nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân; đặc biệt, không phải thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện.

Nêu rõ về các khó khăn này, theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và bắc miền Trung, nên lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường. Điển hình là các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà không tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2019; một số hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung, miền Nam, như: Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Đại Ninh... có mực nước cuối năm 2019 thấp hơn từ 7 đến 29m so với mực nước dâng bình thường. Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, ngay trong đầu năm 2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng sẽ phải vận hành xả khoảng hơn 4 tỷ mét khối nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020 của Đồng bằng Bắc Bộ, việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp điện cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.

Ngành điện nỗ lực bảo đảm đủ điện trong năm 2020.Trong ảnh: Điện về thôn, bản của tỉnh Hà Giang

Huy động điện dầu, nhập khẩu than để đủ điện trong năm 2020

Theo tính toán của Bộ Công Thương, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019, bám sát mục tiêu tăng trưởng KT-XH năm 2020 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Yêu cầu đặt ra với ngành điện là không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để thực hiện yêu cầu này, trách nhiệm đặt ra đối với EVN hết sức nặng nề. Theo đó, ngành điện cần đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý; về phát triển lưới điện, cần nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng; tập trung vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.

Nói về khả năng cung ứng đủ điện cho năm 2020, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Bộ Công Thương đã tính toán các phương án cụ thể, trong đó có phương án phụ tải cao và phụ tải thấp. Theo đó, sẽ huy động tối đa, hài hòa các nguồn phát điện, cùng với đó sẽ tích cực triển khai công trình giải tỏa điểm nghẽn truyền tải điện...". Song, theo tính toán của Bộ Công Thương, để bảo đảm tăng trưởng điện khoảng 9% trong năm 2020, nhiệt điện than cùng với tua-bin khí và thủy điện là 3 nguồn chủ lực. Theo đó, sẽ phải huy động khoảng 132 tỷ kWh điện từ nhiệt điện than. Và để có được sản lượng điện này cần khoảng 66 triệu tấn than các loại, trong đó sản xuất than trong nước là hơn 51 triệu tấn, 15 triệu tấn từ nhập khẩu. “Đây là điều không hề dễ, khi năm 2019, lượng than sản xuất của cả ngành than đạt khoảng 45 triệu tấn. Theo kế hoạch, năm 2020, cả Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc dự kiến cung ứng được khoảng hơn 48 triệu tấn than cho phát điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển KT-XH, khả năng sẽ nhập khoảng hơn 3 tỷ kWh điện từ Lào và Trung Quốc trong năm 2020, tương đương với sản lượng điện nhập khẩu của năm 2019. Cùng với đó, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi. “Tuy nhiên, nếu năm 2020 thời tiết nắng nóng, tải tăng đột biến hoặc hồ thủy điện nước về kém hơn thực tế… nhu cầu huy động dầu có thể cao hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cùng với xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong năm 2020 của ngành điện và các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm: Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, các tổng công ty điện lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện, góp phần bảo đảm cung cấp điện ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực. Theo đó, trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước. “Theo các tính toán của Bộ Công Thương, khả năng bảo đảm điện cho năm 2020 về cơ bản vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn sẽ xảy ra từ năm 2021 đến 2025. Dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh nếu các dự án điện tiếp tục chậm và không thể hoàn thành; đồng thời công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả không được triển khai thực chất”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-gi-de-du-dien-cho-nam-2020-606132